Thanh Hóa: Chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn

04/11/2020 16:25

Việc ứng dụng công nghệ cao chính là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển nông nghiệp an toàn. Trong cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều chú trọng ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng nông sản cũng như hiệu quả kinh tế.

sản phẩm nông nghiệp được trưng
Tỉnh Thanh Hóa đang chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn

 

Theo đó, toàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành được 97 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích ước đạt 12,56 nghìn ha; trong đó, diện tích gieo trồng áp dụng quy trình VietGAP là 4.000 ha. Bên cạnh đó, nhờ việc sản xuất theo hướng an toàn nên có 17% diện tích rau, quả được tiêu thụ thông qua 219 chuỗi cung ứng an toàn. Tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng 1.960 tỷ đồng, chiếm 14,4% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, lợi nhuận bình quân khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha/vụ.

Việc tận dụng lợi thế tự nhiên đã được tỉnh Thanh Hóa ứng dụng mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, an toàn, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao chính là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển nông nghiệp an toàn. Trong cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, người dân trên địa bàn tỉnh đều chú trọng ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng nông sản cũng như hiệu quả kinh tế.

Trong lĩnh vực trồng trọt thể hiện rõ nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt, áp dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, nhất là tăng cường liên kết, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp. Tại huyện Hoằng Hóa, địa phương có truyền thống sản xuất rau màu, nắm bắt được nhu cầu của thị trường và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao để mở rộng, phát triển sản xuất rau an toàn (RAT).

Tính đến cuối tháng 10/2020, trên địa bàn huyện này phát triển được hơn 61 ha RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 78.258m2 sản xuất rau trong nhà lưới với những sản phẩm, như: cải, su hào, cà chua, dưa chuột... Các tập quán sản xuất của các hộ dân đã được thay đổi, các bước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn được áp dụng nghiêm ngặt, hiệu quả. Nhờ đó, sản phẩm làm ra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên hiện nay, khoảng 25% sản lượng RAT theo mô hình VietGAP của xã đã được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các siêu thị, như: BigC, Coopmart và các bếp ăn tập thể của một số đơn vị, doanh nghiệp.

Hiện tại, rau màu đã trở thành sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp khi thể hiện được tính ưu việt cả trong diện tích sản xuất và giá trị kinh tế. Toàn tỉnh Thanh Hóa hình thành được 97 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích ước đạt 12,56 nghìn ha; trong đó, diện tích gieo trồng áp dụng quy trình VietGAP là 4.000 ha. Bên cạnh đó, nhờ việc sản xuất theo hướng an toàn nên có 17% diện tích rau, quả được tiêu thụ thông qua 219 chuỗi cung ứng an toàn. Tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.960 tỷ đồng, chiếm 14,4% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, lợi nhuận bình quân khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha/vụ.

Cùng với trồng trọt, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm giảm tỷ lệ dịch bệnh do có biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thu nhập. Sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và các địa phương đã thúc đẩy hình thành và nhân rộng những mô hình chăn nuôi an toàn trong Nhân dân.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP, với sự tham gia của 1.925 hộ chăn nuôi thuộc 95 nhóm thực hành sản xuất chăn nuôi tốt (GAHP), 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ, 6 trang trại chăn nuôi lợn theo quy trình GAHP với quy mô 15.000 con lợn thịt/năm và có 1 sản phẩm chăn nuôi là “Trứng sạch Hiền Nhuần” của Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Hiền Nhuần tại xã Đông Tiến (Đông Sơn) được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh... 

Nhờ đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức xây dựng và xác nhận 783 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung ứng qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận ước đạt 26,1%. Một số chuỗi được mở rộng, phát triển cả về quy mô, sản lượng cũng như thị trường tiêu thụ, nhờ đó giá trị sản phẩm trong chuỗi được nâng lên, giá thành sản phẩm cao hơn với giá ngoài thị trường từ 20 - 30%.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bảo đảm môi trường đang từng bước thay đổi nhận thức của người dân về tái cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Để đạt hiệu quả cao, ngoài việc hoàn thiện thủ tục hành chính, rà soát các quy định, ban hành bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật để siết chặt quản lý chất lượng nông sản, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào chế biến nông sản an toàn; thực hiện các chuỗi sản xuất liên kết tạo ra các nông sản an toàn. Ban hành quy định, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi và tổ chức triển khai, nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước và tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Hoài Thu

"https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-chu-trong-phat-trien-cac-san-pham-nong-nghiep-an-toan-a118161.html"