Phát biểu tại Hội thảo Phát triển bền vững lần thứ 3, Tổng biên tập Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Minh cho biết, hai năm trước đây, tại Hội nghị COP26, 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua một thỏa thuận lịch sử.
Không chỉ tái khẳng định việc duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
"Cam kết này đã một lần nữa được tái khẳng định tại Hội nghị COP27 và tôi tin chắc rằng, sẽ tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28, tổ chức tại Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất trong ít ngày nữa", ông Lê Trọng Minh khẳng định.
Cũng theo đại diện ông Minh, hai năm qua, Việt Nam đã nhấn mạnh về các lộ trình để thực hiện cam kết, các vấn đề liên quan đến giảm dấu chân carbon, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững… Năm ngoái, cũng tại Hội thảo về Phát triển bền vững do Báo Đầu tư tổ chức, các diễn giả đã bàn về "ESG - Chìa khóa cho phát triển bền vững".
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.
"Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau, vừa là quan điểm vừa là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ, trong đó tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững", Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường như vậy, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan với vai trò đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, chuyển đổi việc thực hiện các mục tiêu phát trển vững trong thời gian tới.
Theo đó, cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.
Đồng thời, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Doanh nghiệp đầu tiên chia sẻ "hành động" vì hành tinh xanh hơn tại Hội thảo, bà Đinh Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Truyền thông doanh nghiệp của Sabeco cho biết: "Là nhà sản xuất kinh doanh, chúng tôi ý thức được rằng Sabeco có thể phát triển bền vững được hay không là nhờ vào cộng đồng xung quanh chúng tôi. Nếu Sabeco muốn phát triển bền vững thì cộng đồng phải phát triển bền vững. Đó là lý do chúng tôi cam kết phát triển cộng đồng xung quanh chúng tôi cùng lớn mạnh".
"Sabeco tự hào có 13,000 lao động là người Việt Nam. Chúng tôi có khoảng 4-6 lần lao động gián tiếp. Đây là những người lao động trong hệ sinh thái, đơn vị cung ứng dịch vụ cho Sabeco. Trong quá trình phát triển, chúng tôi không chỉ đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên của Sabeco mà còn đầu tư phát triển đội ngũ những tài năng trẻ của Việt Nam thông qua những chuỗi hoạt động cộng đồng mà chúng tôi cam kết thực hiện", bà Hường nói.