Singapore giảm đưa tin về COVID-19
Bộ Y tế Singapore lý giải họ làm vậy vì "đợt dịch hiện nay do biến thể Delta gây ra đang tạm lắng", song giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân còn nhiều hơn thế.
Trước ngày 7/12, trong các bản "Cập nhật tình hình COVID-19 cộng đồng" hằng ngày, Bộ Y tế Singapore sẽ cung cấp các thông tin như tình hình dịch trong cộng đồng, tình hình các bệnh viện, tình trạng bệnh nhân, tiêm chủng, số ca xuất viện...
Trong đó cũng sẽ công bố số ca nhiễm mới, tử vong, xuất viện trong 24 giờ cùng nhiều thông tin khác. Song từ ngày 7/12, Singapore sẽ không phát các thông báo như vậy nữa, dù các số liệu về dịch bệnh vẫn được cập nhật liên tục trên trang web của Bộ Y tế và người dân vẫn có thể xem nếu cần.
"Bằng cách không còn phát thông cáo hằng ngày về COVID-19, rõ ràng Bộ Y tế Singapore đã phát đi tín hiệu Singapore đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển tiếp từ "phản ứng với đại dịch" sang "phản ứng với bệnh đặc hữu"" - giáo sư Teo Yik-Ying, hiệu trưởng Trường y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), bình luận.
Hiện vẫn còn nhiều nơi ở châu Á cập nhật thông tin hằng ngày về COVID-19 trên truyền thông như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Hong Kong...
Một số chuyên gia Singapore gợi ý chỉ cần cập nhật tình hình COVID-19 hằng tuần hoặc hằng tháng thay vì hằng ngày. Phó giáo sư Alex Cook của Trường y tế công cộng Saw Swee Hock cho rằng bản cập nhật hằng tuần sẽ cho "cái nhìn chính xác hơn, toàn diện hơn về dịch bệnh" và cũng phù hợp với tần suất cập nhật hằng tuần của Bộ Y tế Singapore với các bệnh truyền nhiễm khác.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Hsu Li Yang - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường y tế công cộng Saw Swee Hock - đưa ra đề xuất táo bạo hơn. Ông cho rằng ngay cả báo cáo hằng tháng cũng không cần thiết, "ngoại trừ một số thay đổi lớn như sự xuất hiện của biến thể Omicron".
Sẽ cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả từ cách tiếp cận của Bộ Y tế Singapore. Nếu quả thực cuối cùng Singapore có thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu và không cần cập nhật tình hình COVID-19 hằng ngày nữa, đây sẽ là điều để các nước khác tham khảo.
Việt Nam nên tính đến phương án như Singapore
Trước thông tin trên, nhiều người cho rằng, Việt Nam cũng nên tính đến phương án như Singapore, bởi chúng ta đang chuyển chống dịch sang trạng thái thích ứng, linh hoạt với tình hình mới. Một số chuyên gia trước đó cũng từng nhấn mạnh việc không cần thiết phải quan tâm tới số ca mắc mà nên tập trung tỷ lệ người bệnh nặng, tử vong.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, với Việt Nam việc công bố ca COVID-19 vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên, thông tin về số ca COVID-19 mỗi ngày không quan trọng bằng số người nhập viện, ca chuyển nặng và tử vong, bởi tỷ lệ này mới đánh giá được năng lực của hệ thống y tế.
"Số lượng ca COVID-19 không quan trọng nữa vì nước ta đang trong giai đoạn bình thường mới. Đặc biệt người Việt đã được tiêm phủ vaccine. Chưa rõ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia sắp tới sẽ định hướng thế nào về việc công bố số ca bệnh COVID-19, nhưng chúng ta vẫn phải theo dõi hàng ngày", ông Sơn nói. "Theo tôi thời điểm này vẫn cần thiết phải nắm được số lượng người mắc COVID-19. Điều này cũng là để công khai, minh bạch với người dân về công tác phòng chống dịch", ông Sơn nói thêm. Biết số người nhiễm nCoV tăng cũng giúp người dân ý thức hơn trong phòng chống dịch.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang tập trung vào tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở để theo dõi và điều trị số người mắc. Dù có hay không công bố số ca COVID-19 thì lực lượng y tế vẫn phải theo dõi lượng bệnh nhân hàng ngày. Bởi nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm, không may trở nặng thì sẽ tạo gánh nặng cho hệ thống y tế.
Ngành y tế vẫn khuyến khích mọi người tự bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ cộng đồng, khi có dấu hiệu nghi ngờ phải mua test xét nghiệm hoặc báo cho cơ sở y tế nơi gần nhất.
Trong khi đó, một chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên tính toán tới việc không công bố số ca COVID-19 hàng ngày nữa. Bởi việc xét nghiệm các ca bệnh không còn mang tính “phát hiện bằng hết số người nhiễm” nữa. Ngoài ra, nước ta cũng đang thực hiện bình thường mới, cộng với việc tiêm phủ được tỷ lệ đáng kể vaccine cho người dân thì chỉ nên tập trung vào phát hiện sớm ca nhiễm, từ đó hạn chế ca bệnh nặng, tử vong.
“Không thể xét nghiệm được hết số ca bệnh đâu. Việc cần làm bây giờ là tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm các ca bệnh, qua đó theo dõi, điều trị sớm cho họ, đặc biệt là người có triệu chứng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường nhanh hệ thống y tế cơ sở để chủ động trong việc theo dõi và điều trị cho các ca bệnh tại nhà”, chuyên gia này cho biết.