Với 10 chương và 219 điều, Luật này quy định việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty và hộ kinh doanh.
Đối tượng áp dụng của Luật là: các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Một trong những điểm rất đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua lần này là chính thức không đưa hộ kinh doanh vào luật này, để xây dựng một luật riêng về đối tượng này.
Về nội dung hộ kinh doanh gây nhiều tranh luận vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đồng ý với việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật; một số ý kiến khác đồng ý xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH. Trên cơ sở đa số ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng bỏ quy định về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.
Về doanh nghiệp nhà nước, một số ý kiến cho rằng khái niệm doanh nghiệp nhà nước như tại dự thảo Luật (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) là chưa phù hợp. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi liên tục, không bảo đảm tính nhất quán, tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Quy định Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết số 12). Dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và Luật Doanh nghiệp là không hạn chế các doanh nghiệp trong lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh và không hạn chế phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế. Việc lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp là quyền của doanh nghiệp tùy theo nhu cầu và điều kiện kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp. Trường hợp, doanh nghiệp có dự án sử dụng đất tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác với nơi có trụ sở chính thì doanh nghiệp thực hiện trình tự, thủ tục theo pháp luật về đầu tư, đất đai... mà không bắt buộc thành lập một pháp nhân mới. Do đó, không nên có quy định hạn chế hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải thành lập pháp nhân mới khi kinh doanh ngoài phạm vi địa phương nơi mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định rõ về quyền của cổ đông phổ thông; về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng; về mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và các luật có liên quan; về người đại diện theo pháp luật; về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp...
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Theo Minh Thu
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/quoc-hoi-thong-qua-luat-doanh-nghiep-sua-doi-xay-dung-luat-rieng-ve-ho-kinh-doanh/20200617023724867"