Quản lý, sử dụng tài sản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Những vấn đề cần hoàn thiện

27/10/2020 17:00

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2019.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn DNNN (Ảnh minh họa)
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn DNNN (Ảnh minh họa)

 

Hoàn thiện về cơ chế chính sách

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời theo đúng chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật được ban hành đầy đủ, thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường; xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh; đã đáp ứng, phục vụ cho các yêu cầu đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN.

Về cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp để sửa đổi những nội dung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quá trình thoái vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

Cũng tại khoản 4 Điều 42 Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp quy định, Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. 

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, tổng kết đánh giá những vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật.

Về cơ chế chính sách cổ phần hóa, ngày 16/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và Công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần... Nghị định và các Thông tư hướng dẫn đã tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng trong thời gian tới, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước, tập trung vào công tác xác định giá trị tài sản và xử lý đất đai của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát vốn, tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.

Kết quả chưa như mong đợi

Qua báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2019, có 818  DN có vốn Nhà nước. Trong đó, 491 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ; 327 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 818 doanh nghiệp là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2018.

Cụ thể, đối với 491 DNNN nắm 100% vốn, có tổng tài sản xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng. Lãi phát sinh trước thuế của các DNNN đạt 162.750 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện 2018. Trong đó, có 44/491 DNNN (chiếm 9% tổng số DNNN) có lỗ phát sinh, với tổng số lỗ phát sinh là 619 tỷ đồng.

Riêng số liệu 76 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ con cho thấy tổng tài sản các đơn vị này nắm giữ là trên 2,73 triệu tỷ đồng.

Các tập đoàn, tổng công ty này có tổng số nợ phải trả là trên 1,44 triệu tỷ đồng, tương đương với thực hiện năm 2018, chiếm 53% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty.

Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, tổng doanh thu đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2018.

Doanh thu lớn theo số liệu báo cáo hợp nhất tập trung chủ yếu ở khối tập đoàn, trong đó: Tập đoàn Điện lực (399.508 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí quốc gia (397.051 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (145.265 tỷ đồng)...

Lãi phát sinh trước thuế đạt 147.519 tỷ đồng, giảm 3% so với thực hiện năm 2018.

Báo cáo hợp nhất có 12 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là hơn 7.440 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Hàng hải lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất lỗ hơn 2.780 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê lỗ hơn 819 tỷ đồng...

Ngoài ra, có 6 Công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 2.819,607 tỷ đồng gồm Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất VN (1.845 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Cà phê VN (463,415 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng ty Hàng hải VN (280,129 tỷ đồng)...

Đối với 327 doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, báo cáo của Chính phủ cho biết: Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, tỷ lệ vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần có xu hướng dịch chuyển gắn liền với quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 185 doanh nghiệp có vốn nhà nước, chủ yếu tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty lớn và các doanh nghiệp cung ứng, sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng: Vẫn còn có một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như: Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (âm vốn chủ sở hữu 48 tỷ đồng); TCT Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (âm vốn chủ sở hữu 505 tỷ đồng); TCT Sông Hồng (âm vốn chủ sở hữu 666 tỷ đồng); Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 99 tỷ đồng); Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 40 tỷ đồng)...

Một số doanh nghiệp liên doanh hoạt động kém hiệu quả, bị âm vốn chủ sở hữu như: Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh VN - Đài truyền hình VN (âm vốn chủ sở hữu 2.962 tỷ đồng); Công ty liên doanh Hải Thành - Hải Phòng (âm vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng)...

Theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, có 63 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 1.442 tỷ đồng. Về mặt số lượng doanh nghiệp có lỗ phát sinh tăng 6,7% so với năm 2018 nhưng về mặt giá trị thì tổng số lỗ phát sinh giảm tới 56% so với năm 2018.

Đối với 415 DNNN thuộc Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh, Chính phủ đánh giá vẫn còn tồn tại nhiều doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản đạt thấp dưới mức lãi suất gửi tiết kiệm bình quân của ngân hàng (khoảng từ 1-5%). Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khai thác công trình thủy lợi, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, giống gia súc và giống cây trồng.

Lỗ lũy kế của các doanh nghiệp này là 1.890 tỷ đồng, gồm 81 doanh nghiệp độc lập còn số lỗ lũy kế năm 2019 (giữ nguyên so với năm 2018 về số lượng doanh nghiệp có lỗ lũy kế). Các doanh nghiệp này đều phát sinh lỗ trong nhiều năm liên tiếp và đã được các cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện cơ chế giám sát tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đánh giá của Chính phủ, một số cán bộ quản lý DNNN còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý nên vẫn còn DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ; tại một số DNNN vẫn có những dự án chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm chưa kịp thời.

Tổng công ty Hàng hải lỗ hơn 3.000 tỷ đồng
Tổng công ty Hàng hải lỗ hơn 3.000 tỷ đồng

 

Xử lý các dự án thua lỗ

Theo Chính phủ, giải pháp trước mắt cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/2018/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng định hướng, yêu cầu, giải pháp và nhiệm vụ tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội, các chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN.

Tăng cường công tác chấp hành kỷ luật kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN và DN có vốn nhà nước. Đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho nhà nước.

Cần tiếp tục tập trung xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương theo hướng: Cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn tại doanh nghiệp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chịu trách nhiệm phê duyệt, quyết định theo thẩm quyền các phương án xử lý; Cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc xử lý đối với 12 dự án; Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp;

Tuân thủ nguyên tắc thị trường trong việc xác định giá trị các tài sản, giá trị dự án còn lại để đảm bảo khả thi trong việc chuyển nhượng, bán tài sản thu hồi về doanh nghiệp và NSNN; Không can thiệp hành chính vào các quy trình, thủ tục trong việc xử lý các dự án từ cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu; Xác định rõ giá trị thất thoát, không thu hồi được để gắn với việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành các dự án.

Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN: Khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống các chỉ số để theo dõi, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực     quản trị hiện đại và thông lệ quốc tế.

Đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới phát triển công nghệ. Mỗi tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo. Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, tiên phong trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chủ động hơn nữa trong hội nhập, vươn ra thị trường quốc tế; lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm bàn đạp để vươn mình hội nhập, kết nối với chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.

Phát huy sức mạnh đoàn kết, tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ giữa các DNNN và các DN trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác, tạo ra các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.

Chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tận dụng cơ hội, lợi thế của các FTAs mới để chuyển hướng, tạo chuỗi giá trị mới, củng cố và mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thế giới…

Ngoài ra, theo Chính phủ, cần tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình cơ cấu lại DN từ việc định hướng, chỉ đạo quán triệt đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đến việc tổ chức thực hiện, giám sát quá trình cơ cấu lại theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của DNNN và công tác quản lý nhà nước đối với DNNN, nhất là đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

Đề ra giải pháp với các DN thua lỗ, Chính phủ cho biết: Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các DN có dự án hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài báo cáo cụ thể tình hình của từng dự án, đánh giá khả năng phục hồi hoặc phương án xử lý dứt điểm; Tách riêng việc phục hồi sản xuất hoặc phá sản, thanh lý tài sản của dự án với việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Theo Bùi Quyền

"https://thuonghieucongluan.com.vn/quan-ly-su-dung-tai-san-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-nhung-van-de-can-hoan-thien-a117441.html"