Những thách thức trong bối cảnh dịch bệnh
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) trong Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19” để bàn các giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó kịp thời trước các tác động của dịch COVID-19 vào tháng 5 vừa qua cho biết:
Trong 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông lâm thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông, mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020 và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản xuất và kinh doanh của ngành Nông nghiệp còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là việc các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng chưa đảm bảo được mọi doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất đầu vào cũng là một rào cản rất lớn đối với ngành nông sản nước ta. Bên cạnh đó là cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ không được kết nối một cách chặt chẽ, hàng hóa thông quan còn hạn chế, nhất là tại các cửa khẩu vùng giáp biên như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng trước đã hạn chế, nay trong mùa dịch lại càng hạn chế hơn.
Bên cạnh đó, trong mùa dịch vấn đề về vận chuyển cũng gặp những thách thức không hề nhỏ. Nếu như trước đây giá cước vận chuyển bình ổn, thì nay khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cước vận chuyển tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến giá hàng hóa nông sản đối với thị trường trong nước và xuất khẩu, nguy cơ giảm khả năng cạnh tranh về giá đối với mặt hàng này.
Tìm hướng đi mới cho nông sản Việt trong mùa dịch
Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động mua bán, sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản của nước ta. Chính vì vậy, ngoài các hình thức tiêu thụ truyền thống là bán trực tiếp, cần tìm kiếm những hướng đi mới cho hoạt động kinh doanh nông sản hiện nay.
Ngay từ đầu mua dịch Covid-19, hàng loạt các sự kiện xúc tiến thương mại thông qua các kênh, kết nối cung cầu được thực hiện thời gian qua, đã giúp nông sản vùng dịch được tiêu thụ hiệu quả ở cả kênh nội địa và xuất khẩu đã được triển khai.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã tích cực vào cuộc tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra); Saigon Coop, MM Mega Market Việt Nam…
Cùng với đó, tại hệ thống các chợ đầu mối chính của TP. Hồ Chí Minh như Chợ đầu mối Hóc Môn, Chợ đầu mối Thủ Đức, Chợ đầu mối Bình Điền, hay tại Hà Nội như: Chợ đầu mối Long Biên, Chợ đầu mối Đền Lừ,… các thương lái cũng tích cực vào cuộc để tiêu thụ nông sản.
Nhờ đó, nông sản đến kỳ thu hoạch của các địa phương vùng dịch như Bắc Giang, Hải Dương không những tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu mạnh đến nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Pháp, Hà Lan, Úc.
Ghi nhận vào đầu tháng 6 vừa qua, lô hàng nông sản là vải thiều đầu tiên tại Thanh Hà (Hải Dương) đã được xuất sang châu Âu theo EVFTA. Lô vải đầu tiên này được vận chuyển theo đường hàng không và "cập bến" Cộng hoà Czech, nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì EU.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, lĩnh vực thương mại điện tử năm 2020 có bước tăng trưởng vượt bậc. Thống kê cho thấy 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, quy mô thị trường thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) của Việt Nam năm 2020 tăng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử là hết sức quan trọng. Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kênh này để hỗ trợ các địa phương, với sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử.
Cụ thể như, phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost) triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream); phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đưa nông sản vải thiều Bắc Giang lên Sàn TMĐT Vò sò (Voso.vn) của Viettel Post với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày.
Bên cạnh đó, các tỉnh cũng đã chủ động tìm kiếm các kênh tiêu thụ mới cho nông sản tại địa phương như: Tại Bắc Giang Bắc Giang đã diễn ra lễ công bố và trao văn bằng Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, khai trương Gian hàng vải thiều trên sàn Alibaba.com và các sàn thương mại điện tử.
Hay tại tỉnh Sơn La, đã chủ động đưa nông sản địa phương như: mận hậu và xoài tròn Yên Châu (Sơn La) lên sàn thương mại điện tử Shopee để phân phối tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào chiều ngày 28/5/2021. Nông sản, đặc sản của tỉnh Sơn La đã chính thức được bàn giao cho các sàn thương mại điện tử để ra mắt người tiêu dùng.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, Sở Công Thương các địa phương, các Hiệp hội, ngành hàng thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản đã chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của cả nước tại thị trường trong nước, cũng như thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại các địa phương, Bộ Công Thương cũng thiết lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Từ đó hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.