Mở rộng chuỗi cửa hàng, chiếm lĩnh thị phần
Là chuỗi cửa hàng tiện lợi nước ngoài có mặt đầu tiên ở Việt Nam từ cuối 2008, đến nay Circle K đang khẳng định thương hiệu của mình với chuỗi cửa hàng tiện lợi với số lượng điểm bán lớn nhất, lên đến 476 cửa hàng phủ khắp cả nước tính (đến đầu tháng 10/2024 - cập nhật trên website của doanh nghiệp).
Ra nhập thị trường “muộn nhất” so với các thương hiệu khác (chính thức hoạt động từ 2018), nhưng đến nay GS25 đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại Việt Nam với tốc độ mở rộng quy mô ấn tượng. Hiện GS25 đang sở hữu hơn 300 điểm bán, chỉ đứng sau Circle K, nhờ sự hậu thuẫn của Công ty Cổ phần Sơn Kim Retail.
Đứng thứ 3, là ông lớn đến từ Nhật Bản, FamilyMart đặt chân vào Việt Nam từ năm 2009 với cửa hàng outlet được quản lý bởi công ty 100% vốn của Family Mart Nhật Bản. Tính đến tháng 10/2024, Family Mart đang sở hữu 160 cửa hàng, tập trung tại TP.HCM và 3 tỉnh lân cận là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Chuỗi này từng đặt mục tiêu sở hữu 1.500 - 2.500 cửa hàng trong năm 2023, trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi số 1 Việt Nam.
Đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2015, Ministop là thương hiệu thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” bán lẻ AEON. Ministop cũng đang thể hiện việc chi phối thị trường bán lẻ tiện lợi, khi đẩy mạnh mở rộng cửa hàng. Cụ thể, từ 2015 đến đầu tháng 10/2024, thương hiệu này đã mở 191 điểm bán hàng tại TP.HCM, Bình Dương, Long An.
Một thương hiệu nổi tiếng của Mỹ là 7-Eleven, đây là thương hiệu từng chiếm lĩnh thị phần lớn trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi ở các quốc gia khác. Từ khi đặt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017, đến nay thương hiệu này đang có 118 cửa hàng, tập trung tại TP.HCM và đẩy mạnh mở mới điểm bán, tập trung vào các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại.
Xuất hiện vào năm 2006 với những mặt hàng mang đậm dấu ấn Hàn Quốc, đến nay K-Market đã khẳng định vị thế vững vàng với chuỗi 69 cửa hàng trải dài khắp các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng..., thương hiệu này đang trở thành điểm đến mua sắm cho người tiêu dùng, đặc biệt là cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Sau các “ông lớn” kể trên, một số thương hiệu cửa hàng tiện lợi như Co.op Smile, B's Mart cũng đã xây dựng được chuỗi của hàng tiện lợi trên dưới 100 điểm bán, tại một số tỉnh thành…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mặc dù tiềm năng tăng trưởng luôn được đánh giá cao, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và phân khúc kinh doanh cửa hàng tiện lợi nói riêng luôn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt với sự bùng nổ của các chuỗi bán lẻ tiện lợi ngoại quốc, đang tạo nên áp lực cạnh tranh không nhỏ cho các thương hiệu Việt Nam.
Với việc sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm quản lý dày dặn và chiến lược marketing rầm rộ, các ông lớn này đang dần chiếm lĩnh thị phần, khiến cho "miếng bánh" thị trường bán lẻ tiện lợi Việt Nam ngày càng thu hẹp lại đối với các doanh nghiệp nội địa.
Nhưng thi nhau báo lỗ…
Với số cửa hàng lớn, GS25 được đánh giá có doanh thu tăng trưởng khá ổn định trong vài năm gần đây. Trong đó, doanh thu năm 2023 đạt trên 1.500 tỷ đồng, tăng 23% so với 2022.
Tuy nhiên, điều đáng nói là GS25 lại dẫn đầu đầu danh sách báo lỗ. Cụ thể năm 2023, GS25 báo cáo lỗ hơn 100 tỷ đồng, năm 2022 là 167 tỷ, tương đương mỗi ngày chuỗi này lỗ nửa tỷ. Trong đó, năm 2021, mức lỗ của thương hiệu này cũng vượt 153 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của Công ty Cổ phần Dữ liệu Kinh tế Việt Nam (Vietdata), 7-Eleven là một trong số ít các thương hiệu bán lẻ tiện lợi có sự tăng trưởng doanh số cao và ổn định kể từ sau dịch COVID-19 đến nay.
Cụ thể, doanh thu năm 2021 tăng 17,7%, năm 2022 tăng lên 26% và 2023 tăng đến 37,4%, lên gần 850 tỷ đồng. Dù vậy, ông lớn này vẫn nằm trong nhóm có số lỗ hàng năm cao nhất nhì hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi, với số lỗ năm 2023 vượt 100 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng trưởng đều đặn, đạt đến 1.600 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng năm 2023 ông lớn đến từ Nhật Bản FamilyMart cũng báo lỗ khoảng 10 tỷ đồng.
Tương tự FamilyMart, Ministop cũng đối diện với lỗ lũy kế đến năm 2023 hơn 50 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2022, dù doanh thu tăng trưởng khoảng 12%, đạt gần 1.300 tỷ đồng.
Trong năm 2023, doanh thu của B's Mart đạt mức thấp nhất (tính từ năm 2021), chỉ đạt khoảng 300 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ 2022. Khoản lỗ của thương hiệu này cũng tăng dần, với khoảng 40 tỷ đồng trong năm 2023…
Đối với Co.op Smile, sau gần 10 năm phát triển, đến nay thương hiệu này đã có tổng cộng 96 cửa hàng trên khắp Việt Nam (bao gồm nhượng quyền), doanh thu tăng trưởng đều với mức tăng 1,7% mỗi năm, và đạt 380 tỷ đồng năm 2023. Nhưng, cũng như các thương hiệu khác trong ngành, Co.op Smile cũng ghi nhận lỗ sau thuế.
Trong số các thương hiệu cửa hàng tiện lợi nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam, thì Circle K là thương hiệu hiếm hoi “thoát lỗ”.
Cụ thể, theo báo cáo thị trường của Vietdata, trong giai đoạn 2021 – 2022, Circle K được ghi nhận tăng trưởng bứt phá, khẳng định vị thế top đầu ngành bán lẻ tiện lợi với dịch vụ giao hàng tận nhà. Do là chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/7, nên khách hàng có thể ngồi ăn “xuyên đêm”, nên Circle K luôn thu hút lượng lớn khách hàng trẻ ở độ tuổi học sinh, sinh viên, dân văn phòng...
Trong năm 2022 Circle K đã ghi nhận kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng, với doanh thu tăng 44,5% so với năm 2021, đạt gần 4.000 tỷ đồng và lãi hơn trăm tỷ đồng, "lột xác" hoàn toàn so với mức lỗ lũy kế 2 năm trước đó.
Đặc biệt, những ngày cuối năm 2024, thị trường bán lẻ đang dồn sự chú ý vào thông tin chủ chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K thương thảo, mua lại chuỗi 7-Eleven, với mức định giá nhà bán lẻ này khoảng 47,2 tỷ USD. Nếu thương vụ này ngã ngũ, sẽ có một nhà bán lẻ khổng lồ với hàng chục ngàn cửa hàng tiện lợi khắp toàn cầu.
Theo nhận định của các chuyên gia, những năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và phân khúc kinh doanh cửa hàng tiện lợi nói riêng luôn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 6.231 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022. Theo đó, mảng cửa hàng tiện lợi là một trong những mô hình phát triển nhanh nhất trong các loại hình bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Còn theo nhận định của Công ty nghiên cứu thị trường B&Company, Inc., Năm 2024 ngành bán lẻ ở Việt Nam (bao gồm cả cửa hàng tiện lợi) dự kiến đạt 276 tỷ USD. Theo ước tính của Bộ Công Thương, thì thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt con số 350 tỷ USD vào năm 2025. |