Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là: người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp đã đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định. Tuy nhiên vì một số lý do như chưa muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp ngay, đã làm hồ sơ nhưng không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp… thì thời gian chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn này sẽ được bảo lưu và cộng dồn để tính cho lần hưởng tiếp theo.
Các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo trong các trường hợp sau:
(1) Người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
Ví dụ: Ông Trần Văn Đ có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 36 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 3 tháng. Ngày trả kết quả ghi trong phiếu hẹn trả kết quả của ông Đ là ngày 16-3-2015. Tuy nhiên đến hết ngày 18-3-2015 (tức là sau 2 ngày làm việc) ông Đ không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Do vậy, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ông Đ không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông Đ. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông Đ được bảo lưu là 36 tháng.
(2) Người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp;
Ví dụ: Ông Trần Văn S có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 36 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông S tính từ ngày 20-2-2015 đến ngày 19-5-2015. Tuy nhiên, đến ngày 19-8-2015 (tức là sau 3 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp) ông S vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà ông S được bảo lưu là 12 tháng (tương ứng với 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà ông S không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp).
(3) Người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng thì những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu);
Ví dụ: Ngày 24-3-2015, ông Trần Quang P chấm dứt hợp đồng lao động. Ông P có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 47 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp). Do đó, thời gian ông P được bảo lưu là 11 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Sau khi hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông P giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 3 tháng với doanh nghiệp F (từ ngày 5-9-2015 đến ngày 4-12-2015) và tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hết hạn hợp đồng lao động với doanh nghiệp F, ông P nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lần hai. Như vậy, tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông P là 14 tháng. Nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì ông P được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng.
(4) Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:
+ Tìm được việc làm;
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tòa án tuyên bố mất tích;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
Cách tính thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu Tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH , thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể: Trong đó, thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo nguyên tắc, mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. |