Người dân được lợi gì, rút bao nhiêu giấy tờ từ 2 "đại dự án" quan trọng của Bộ Công an?

22/06/2021 15:16

Việc quản lý cư trú theo phương thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân gắn chip sẽ bỏ hoàn toàn 7 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú của người dân.

Người dân sẽ bỏ hoàn toàn 7 thủ tục hành chính liên quan đăng ký cư trú

Hôm nay, ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ Công an sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết và công bố vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trước đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục Cảnh sát QLHC về TTXH), Bộ Công an cho biết, từ 1/7, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào hoạt động.

Để chuẩn bị cho việc này, Bộ Công an đã đi đầu với việc triển khai cùng lúc 2 "đại dự án" về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) gắn chip, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Luật cư trú quy định, từ ngày 1/7 cơ quan công an sẽ không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ... dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Lãnh đạo Cục nêu rõ, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (chi phí do phải đi lại, chứng thực các loại giấy tờ...).

Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, trong đó mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Còn lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp Bộ Công an cho rằng cùng với việc quản lý cư trú theo phương thức mới "số hóa dữ liệu" sẽ bỏ hoàn toàn 7 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú gồm: cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú và gia hạn tạm trú.

can-1624324503.jpg
Mẫu căn cước công dân gắn chip

Công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi làm thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự, chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng.

Công dân được giảm chi phí sao y chứng thực, cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng...

Khi "số hóa dữ liệu", thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước xác nhận, công dân không phải phụ thuộc vào nơi cư trú của mình.

Cơ quan nhà nước sẽ nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư và giảm thiểu chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, tăng cường công khai các thủ tục hành chính, thủ tục hành chính công qua mạng.

Bỏ sổ hộ khẩu, người dân giao dịch như thế nào?

Trả lời báo chí về vấn đề này, Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục CS QLHC về TTXH, Bộ Công an) cho biết:

Ngày 1/7 khi Luật Cư trú có hiệu lực, Bộ Công an sẽ thay thế phương thức quản lý cư trú thủ công là cấp sổ hộ khẩu giấy sang phương thức quản lý cư trú điện tử bằng mã số định danh cá nhân. Mã số định danh cá nhân sẽ được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi cần thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cư trú công dân như xin việc, xin học, hay mua bán nhà... người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân cho các cơ quan, tổ chức đó.

Từ số định danh cá nhân, các cơ quan, tổ chức sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để khai thác các thông tin cơ bản của công dân trong cơ sở dữ liệu phục vụ cho giao dịch hành chính.

Hiện lực lượng công an đang triển khai cấp căn cước công trên toàn quốc và phấn đầu đến ngày 1/7/2021, công dân có thể sử dụng thẻ CCCD để thực hiện các thủ tục hành chính thay cho xuất trình sổ hộ khẩu.

Những tiện ích của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử

Theo Bộ Công an, thẻ Căn cước công dân có số định danh cá nhân của công dân sẽ thay thế Sổ hộ khẩu trong việc thực hiện giao dịch của công dân với các cơ quan, tổ chức.

Chip điện tử, mã QR code trong căn cước công dân có chứa số CMND, người dân không phải xin xác nhận CMND 9 số trong việc thực hiện các giao dịch với các cơ quan, tổ chức.

Trên thẻ CCCD gắn chip được in song ngữ, gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh rất thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch chung và giao lưu hội nhập trong khu vực và quốc tế.

Mã QR code trên thẻ CCCD mới cho phép người dân dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần cung cấp, thuận tiện khi các dịch vụ chính phủ điện tử, ngân hàng viễn thông cho phép thực hiện được trực tuyến từ xa thông qua điện thoại di động, máy tính, không cần phải đến tận nơi để giao dịch do có thể xác thực CCCD điện tử cũng như xác thực sinh trắc học từ xa.

Thẻ CCCD gắn chip có ứng dụng sinh trắc học dùng để xác thực công dân với mức độ an toàn cao, không bị lợi dụng danh tính khi bị mất thẻ CCCD cũng như bị làm giả thẻ CCCD vì mức độ bảo mật cũng như chống làm giả của thẻ CCCD gắn chip rất cao.

Thẻ CCCD có gắn chip điện tử có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần... có thể được sử dụng và kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phục vụ các giao dịch của công dân với các cơ quan, tổ chức mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ.

Chip điện tử gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip điện tử tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Với việc đưa CSDLQG về DC đi vào hoạt động, cùng với việc cấp thẻ CCCD có gắn chip điện tử, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để tích hợp nhiều trường thông tin của công dân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe… vào trong chip điện tử trên thẻ CCCD.

Khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có lộ trình để người dân có thể chỉ cần sử dụng thẻ CCCD thay thế cho các loại giấy tờ khác.

Hoàng Đan