Trình Thủ tướng phê duyệt Dự án lập hãng hàng không giá rẻ Cánh Diều - Kite Air

09/01/2020 18:25

Hãng hàng không Cánh Diều – Kite Air của Công ty CP Hàng không Thiên Minh dự kiến cất cánh trong quý II/2020 với 6 tàu bay cánh quạt tầm ngắn ATR72, với tổng vốn đầu tư 5.500 tỉ đồng.

KiteAir nhắm vào phân khúc hàng không chi phí thấp với đội máy bay chủ lực là ATR

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (MPI) vừa trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều – Kite Air (Dự án) của Công ty CP Hàng không Thiên Minh.

Điểm nhấn quan trọng nhất của báo cáo này là việc MPI kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển. Trong những năm tiếp theo, nhà đầu tư sẽ mở các đường bay quốc tế nhằm nhằm thúc đẩy giao lưu và hội nhập văn hóa, kinh tế khu vực và quốc tế.

Dự án có số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm đến năm thức 6 sẽ có 25 tàu bay, trong đó có 15 chiếc Airbus320/321 hoặc tương đương. Tổng vốn của Dự án hãng hàng không Cánh Diều là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư); địa điểm thực hiện tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

MPI kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Công ty CP Hàng không Thiên Minh trong giai đoạn thực hiện đầu tư, tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự án theo ý kiến của cơ quan thẩm định và các bộ ngành liên quan; đồng thời giám sát chặt việc huy động vốn của nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện Dự án.

Công ty CP Hàng không Thiên Minh chỉ được kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 92/2016/NĐ – CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không; Nghị định số 89/2019/NĐ – CP ngày 15/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92.

Trong báo cáo thẩm định, MPI cho biết, Công ty CP Hàng không Thiên Minh – chủ hãng bay Cánh Diều có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng trong đó ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỷ đồng; Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỷ đồng và bà Trần Thu Hằng góp 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp này mới thành lập vào tháng 6/2019 nên chưa có báo cáo tài chính 2 năm gần nhất theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 33 Luật Đầu tư.

Liên quan đến phần vốn vay, MPI xác nhận tại Hồ sơ Dự án có văn bản đồng ý thu xếp tài trợ 4.500 tỷ đồng của Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng và thư cam kết của BNP Paribas tạm ứng cho Công ty CP Hàng không Thiên Minh khoản vay lên tới 85% giá trị máy bay ròng.

Trong hồ sơ đề xuất Dự án, Công ty CP Hàng không Thiên Minh cho biết, hãng trong giai đoạn đầu hãng sẽ cung cấp 1 hạng ghế phổ thông với những dịch vụ cơ bản nhất cho hành khách bằng 6 tàu bay ATR72 mua mới, từ năm thứ 3 trở đi sẽ bắt đầu bổ sung A321/A320 thông qua thuê khô hoặc thuê mua tài chính.

Sân bay Chu Lai. Dự kiến đến năm 2025, sân bay Chu Lai đón 4 triệu hành khách/năm

Hãng hy vọng sẽ nối gót 2 hãng hàng không trong khu vực đang khai thác có hiệu quả đồng thời 2 dòng tàu bay A320/321 và ATR72 là Cebu Pacific Airways của Philippines và Bangkoc Airways của Thái Lan.

Tính đến đầu tháng 1/2019, MPI đã thẩm định và kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án vận tải hàng không của Vinpearl Air và Vietravel Air.

Theo Bộ GTVT, theo như báo cáo của Công ty CP hàng không Thiên Minh, dự án phù hợp với các quy hoạch: Lựa chọn sân bay Chu Lai làm sân bay căn cứ và sử dụng sân bay Đà Nẵng làm nơi đậu tàu bay qua đêm trong 2 năm đầu khai thác; các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn làm nơi đậu tàu bay tiếp theo. Công ty CP hàng không Thiên Minh khẳng định có thể tự đáp ứng được nguồn nhân lực hàng không mà không giành giật, lôi kéo phi công, đặc biệt là phi công của Vietnam Airlines, lý do là khai thác tàu bay ATR.

Theo Hoàng Hữu Quyết