Nâng cao sức cạnh tranh ngành mía đường trong nước

01/03/2021 18:10

Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) Nguyễn Văn Lộc Quyền: Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía từ Thái Lan sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng...

Khó khăn chồng chất

Thời gian qua, ngành mía đường Việt Nam liên tiếp hứng chịu những khó khăn chồng chất, do ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài.

Theo Hiệp hội VSSA, trong khối ASEAN có 4 quốc gia sản xuất mía đường là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và nghiêm túc thực hiện thông qua việc gỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu đường từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, các quốc gia còn lại, trên thực tế đã không hề mở cửa thị trường đường, với việc áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mỗi nước.

Điển hình như Thái Lan, tuy đã thực thi ATIGA năm 2010, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy quốc gia này vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường trong nước.

Người trồng mía đường phấn khởi với quyết định áp thuế với đường nhập khẩu
Người trồng mía đường phấn khởi với quyết định áp thuế với đường nhập khẩu

 

Mỗi năm, Chính phủ nước này đều hỗ trợ ngành đường ít nhất 1,3 tỷ USD. Trong đó, khoảng 775 triệu USD dành cho trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống bình ổn giá đường, tăng trợ giá nhằm bù mỗi khi giá đường thế giới giảm…

Đường từ ASEAN với giá rẻ, khiến đường trong nước hầu như không tiêu thụ được, giá đường nội địa giảm mạnh, khiến giá mía của Việt Nam cũng rất thấp, nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ.

Hiệp hội VSSA cho biết, do không cạnh tranh được với đường nhập khẩu chính ngạch giá rẻ, niên vụ 2019-2020, Việt Nam chỉ còn 29 nhà máy đường hoạt động thay vì 40 như trước đây. Đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng. Đến niên vụ 2020 - 2021, dự báo chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, thêm 4 nhà máy đường đóng cửa gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong, do không đảm bảo nguồn cung nguyên liệu.

Quyết định kịp thời

Trước những khó khăn của ngành mía đường, ngày 21/9/2020 Bộ Công thương đã tiến hành điều tra CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Trải qua gần 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương kết luận, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%.

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, sẽ  được Bộ Công Thương áp thuế CBPG tạm thời mức 33,88%. Quyết định này được kỳ vọng sẽ chặn đứng đà lao dốc của ngành mía đường trong nước, đồng thời mang lại hiệu quả cho cả DN và người nông dân trong thời gian tới.

Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ NK đường tinh luyện, đường trắng sang NK đường thô để lẩn tránh thuế CBPG và CTC ở mức cao hơn. Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ kết thúc điều tra vào quý II/2021.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội VSSA, Nguyễn Văn Lộc Quyền, các DN trực thuộc hiệp hội rất phấn khởi với quyết định này, bởi quyết định là minh chứng cho thấy, những ý kiến cho rằng năng lực cạnh tranh của ngành mía đường rất kém, không chịu đầu tư mà chỉ đi xin cơ chế lâu nay vẫn áp vào ngành mía đường là không đúng.

“Thực tế, không ít nhà máy đường trong nước đã chủ động đầu tư công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết với nông dân để SX ra sản phẩm có tính cạnh tranh. Song, những gian lận về trợ cấp, bán phá giá đã được kết luận sau quá trình điều tra nghiêm túc mới chính là nguyên nhân khiến DN ngành mía đường “lao đao”.

Việc Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan lần này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và sân chơi công bằng trong thời gian tới.

Dù không được kỳ vọng sẽ ngay lập tức vực dậy ngành mía đường, nhưng sẽ giúp chặn đứng đà lao dốc của ngành này. Đồng thời, sẽ giúp tạo sinh kế bền vững cho người nông dân trồng mía ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng biên giới khi không có loại cây thay thế nào phù hợp.

Theo Tâm An

"https://thuonghieucongluan.com.vn/nang-cao-suc-canh-tranh-nganh-mia-duong-trong-nuoc-a128313.html"

Bạn đang đọc bài viết "Nâng cao sức cạnh tranh ngành mía đường trong nước" tại chuyên mục KINH TẾ.