Năm 2022, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt 6 - 6,2 triệu tấn

17/02/2022 14:00

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đạt mức trên 6 triệu tấn, tương đương hai năm liền trước dù dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thông tin từ Bộ Công thương ngày 16/2/2022 cho biết, giá xuất khẩu ổn định cùng chất lượng vượt trội đã tạo ưu thế cho xuất khẩu gạo của Việt Nam ngay trong tháng đầu năm. 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 505.741 tấn với trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Từ kết quả kinh doanh, xuất khẩu gạo trong tháng 1/2022 đạt kết quả khả quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo  từ 6-6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021. Nhu cầu thế giới đối với lương thực tiếp tục cao trong năm 2022 là những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu gạo trong năm nay.

Năm 2022, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt 6 - 6,2 triệu tấn - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam được giữ ổn định từ năm 2020

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo nhiều khả năng tăng từ tháng 3/2022, khi vụ Đông Xuân cho thu hoạch rộ.

Đặc biệt xuất khẩu gạo năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.

Về giá gạo xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết trung bình trong tháng đầu năm 2022, giá gạo là 486,5 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được các thương nhân linh hoạt điều chỉnh tăng, giảm khoảng 5 USD/tấn để phù hợp với tình hình xuất khẩu lúa gạo trên thế giới. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 393-397 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 373-377 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 328-332 USD/tấn.

Các thương nhân xuất khẩu gạo cho rằng, do ảnh hưởng của giá vận tải cũng như chi phí thuê container rỗng cao ảnh hưởng đến đối tác, các thương nhân đã giảm giá gạo để chia sẻ khó khăn.

Năm 2022, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt 6 - 6,2 triệu tấn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong tháng đầu tiên của năm 2022, Philippines vẫn là thị trường bền vững, truyền thống, dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng trị giá xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 234.050 tấn, tương đương 110,21 triệu USD, giá trung bình 470,9 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 46,6% về kim ngạch.

Do một số lý do khách quan, thị trường Trung Quốc đã rời vị trí thứ 2 và Bờ biển Ngà đã vượt thị trường Trung Quốc để chiếm giữ vị trí này, đạt 23,38 triệu USD với sản lượng đạt 56.675 tấn, tăng 252,5% về trị giá và tăng rất mạnh 424% về lượng so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 3, đạt 37.006 tấn, tương đương 18,99 triệu USD, giảm 36% về khối lượng, giảm 37% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Một số thị trường khác như Malaysia trong tháng 1/2022 đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD, tăng mạnh 104% về lượng và tăng 67,5% về trị giá so với cùng kỳ 2021.

Như vậy, so với gạo Thái Lan, giá các loại gạo 5% tấm, 25% tấm và 100% tấm của Việt Nam thấp hơn tương ứng 19 USD, 24 USD và 49 USD. So với gạo Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn 50 USD (gạo 5% và 25% tấm) và 28 USD. So với gạo Pakistan, gạo Việt Nam cao hơn 45 USD (gạo 5% tấm và 25% tấm) và 15 USD (gạo 100% tấm).

Năm 2022, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt 6 - 6,2 triệu tấn - Ảnh 3.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại một hội nghị (Nguồn: Báo Công Thương)

Trao đổi với các cơ quan báo chí, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản thông tin, trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây chính là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo sang chiều sâu. Đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhập khẩu và nhu cầu người tiêu dùng ở các nước phát triển.

Cũng theo ông Trần Quốc Toản, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá xuất khẩu gạo tăng cao hơn từ 10-20 USD/tấn, tùy loại. Thực tế trong năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở top cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Giá gạo cao sẽ hỗ trợ, bù đắp cho số lượng gạo xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khả năng này có thể duy trì trong năm 2022 khi dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Vì vậy, để nắm bắt các cơ hội từ việc thực thi hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc chắn trong thời gian tới.

Trước hết, cần thực hiện tốt định hướng về tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, trên cơ sở tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sạch, thân thiện môi trường; ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại và các giống lúa năng suất, chất lượng cao.

Ngành lúa gạo cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống mới, ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường trong nước và thế giới.

Các doanh nghiệp sản xuất và thương nhân xuất khẩu gạo cần nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU.

Bên cạnh đó, việc đạt được các chứng nhận tự nguyện phổ biến tại EU sẽ giúp các thương nhân thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường này.

HM