Khu vực kinh tế có đóng góp khoảng 43% GDP trong 10 năm
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã từ nhóm quốc gia nghèo, kém phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người năm 1986 dưới 100 USD, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình khoảng 2.800 USD vào năm 2020.
Đặc biệt, Việt Nam luôn thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trung bình đạt gần 6% trong giai đoạn 2011-2021.
Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (không tính doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI) trong giai đoạn 2016 - 2019 dao động quanh khoảng 43% GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này có chiều hướng đi lên.
Trong hai năm 2018 và 2019, tốc độ tăng trưởng tương ứng đạt 7,3% và 8,9% và cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước với mức là 7,08% và 7,02%. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng khu vực này cao nhất, hơn cả khu vực FDI (8%).
Tốc độ tăng nguồn vốn năm 2018 so với năm 2017 của toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân đạt mức cao nhất là 27,2% so với tốc độ tăng vốn của khu vực kinh tế nhà nước là 1,3% và khu vực FDI là 17,6%.
Trong các lĩnh vực kinh tế ngành, đặc biệt như nông nghiệp và chế biến nông sản, thủy hải sản, lâm sản, công nghiệp thời trang (dệt may, da giầy và túi xách) và công nghiệp điện tử, vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân cũng ngày càng nổi bật. Đây là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất trong 3 năm vừa qua, và đồng thời cũng là những ngành có kim ngạch xuất siêu cao, mang lại nguồn ngoại tệ lớn, bổ sung cho nguồn ngoại tệ dự trữ của Việt Nam.
Trong khu vực dịch vụ, các ngành tài chính - ngân hàng, du lịch (dịch vụ lưu trú và ăn uống), logistics (vận tải và kho bãi) là những ngành đóng góp lớn cho GDP năm 2019 với giá trị lần lượt là 5,9%, 3,8% và 3,0%.
Riêng ngành sản xuất và lắp ráp ô tô của Việt Nam hiện nay, xét về đóng góp vào GDP của công nghiệp chế biến chế tạo thì chưa cao, nhưng những doanh nghiệp lớn lại có đóng góp thuế lớn cho ngân sách nhà nước và toàn bộ là doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó một số ngành có tiềm năng và lợi thế phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 ví dụ như ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ tài chính cũng có thể đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế nếu được hỗ trợ thích đáng.
Hoa Kỳ khởi động dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam
Trong bối cảnh đó, ngày 18/1, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chính thức khởi động Dự án Tăng cường Năng lực Cạnh tranh Khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C).
Dự án có tổng vốn viện trợ hơn 36 triệu USD và được thực hiện trong thời gian 5 năm (2021-2025). Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất.
Đồng thời, hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm Made by Viet Nam.
Phát biểu tại lễ khởi động dự án, ông Bessire cho hay: "Dự án IPS-C được khởi động ngày hôm nay là một sự tái khẳng định cam kết hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế cho Việt Nam của Chính phủ Mỹ, cũng như hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 10 năm 2021-2030, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững dẫn đầu bởi các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng".