Tại cuộc gặp mặt đại diện các doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang có hơn 930.000 doanh nghiệp hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng năm 2024 đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội.
Thực tế cho thấy lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động và 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Trong 9 tháng, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực. Luỹ kế thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng gần 18% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt 577 tỷ USD, tăng hơn 16%; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD…
Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại cũng là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả khả quan nêu trên đều có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Bộ trưởng Dũng cho biết qua khảo sát nhanh gần đây, tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho rằng sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa khai thác hiệu quả dư địa phát triển.
"Phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Một số còn có tư duy kinh doanh thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược", Bộ trưởng Dũng nói. Theo ông, số có quy mô lớn, năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc chưa cao.
Bối cảnh hiện nay, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, như AI, bán dẫn cùng thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo dịch chuyển dòng vốn đầu tư, cấu trúc đầu tư thương mại. "Điều này đặt ra các thách thức nhưng cũng mang đến thời cơ, vận hội mới", ông Dũng nói, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục cùng Chính phủ phát triển kinh tế-xã hội, có các giải pháp đột phá, đổi mới, sáng tạo.
"Các doanh nghiệp lớn cần đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, khó và mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, dư địa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực", ông nói thêm.
Ông đề nghị Chính phủ cần sớm xây cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn. Với cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; sớm xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn...
Với các doanh nghiệp, Bộ trưởng KHĐT đề nghị tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo...