Theo báo cáo, nền kinh tế Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 5,1%. Trong đó Việt Nam và Philippines sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 6%, dẫn đầu khu vực. Theo sau là Indonesia với tỷ lệ 5,7%.
Vị thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế khu vực cũng được ghi nhận trong Báo cáo triển vọng Đông Nam Á 2024-2034 do Hội đồng Angsana công bố. Theo đó, 6 nước được dự báo dẫn đầu GDP trong khu vực ASEAN bao gồm: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Báo cáo nhận định, GDP của ASEAN-6 sẽ tăng trưởng ở mức trung bình hàng năm 5,1% trong 10 năm tới (từ năm 2024 đến 2034). Trong đó, Việt Nam và Philippines sẽ dẫn dắt khu vực, với tốc độ tăng trưởng trung bình dự kiến lần lượt 6,6% và 6,1% mỗi năm. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN sẽ tăng trưởng 5,7% mỗi năm. Trong cùng giai đoạn, Trung Quốc dự kiến tăng trưởng từ 3,5-4,5% mỗi năm. Trong khi 30 năm trước đây, tăng trưởng của ASEAN-6 kém xa Trung Quốc.
Báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng 10 năm cho các nền kinh tế ASEAN-6 bằng cách xem xét các yếu tố tác động đến lao động, vốn và năng suất.
Theo đó, Việt Nam tăng trưởng vượt trội nhờ sự thúc đẩy cạnh tranh thu hút đầu tư lành mạnh giữa các tỉnh và lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề. Bối cảnh này giúp Việt Nam thu hút các nguồn đầu tư đa dạng. Bên cạnh đó, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng các cơ hội từ chiến lược Trung Quốc + 1 (đa dạng hóa sản xuất sang các nước khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc).
Trong khi đó, Malaysia dự kiến tăng trưởng trung bình 4,5% hàng năm trong 10 năm tới. Theo đánh giá của Taimur Baig, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng DBS, đây là mức tăng trưởng lạc quan đối với Malaysia, nước đang tập trung phát triển bán dẫn và trung tâm dữ liệu để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, Singapore dự báo chỉ tăng trưởng trung bình 2,5% mỗi năm trong 10 năm tiếp theo do lực cản từ tình trạng dân số già hóa. Thái Lan dự kiến tăng trưởng trung bình 2,8% hàng năm trong cùng giai đoạn nhờ du lịch phục hồi và vị thế trung tâm sản xuất ô tô của khu vực.
Báo cáo của của Bain, DBS và Hội đồng Angsana khuyến nghị, trong tương lai, ASEAN-6 cần tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng mới nổi, chủ động tận dụng công nghệ, phát triển thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và thúc đẩy tăng trưởng tập thể.
Các nền kinh tế Đông Nam Á cần giải quyết các yếu tố cơ bản về kinh tế và kinh doanh bằng cách tăng đầu tư vốn con người (giáo dục, đào tạo nghề, sức khỏe người lao động) và quản trị tốt.
Báo cáo nhấn mạnh, Singapore, Malaysia và Thái Lan sẵn sàng trở thành động lực chủ chốt trong việc phát triển một loạt sản phẩm và dịch vụ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, vốn cổ phần tư nhân và không gian cho vay vi mô, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Philippines, Việt Nam và Indonesia có vị trí thuận lợi để sản xuất năng lượng giá rẻ, giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực.