Theo IEA, trong năm 2023, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày lên 102,2 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc chiếm 70% mức tăng trưởng này.
Cũng theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng cao kỷ lục do nhu cầu du lịch hàng không tăng mạnh trong mùa hè, tăng cường sử dụng dầu trong sản xuất điện và hoạt động hóa dầu của Trung Quốc gia tăng.
IEA dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 sẽ ghi dấu mức hàng năm cao nhất từ trước đến nay. Hồi tháng 2/2023, IEA đã dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ lên mức kỷ lục trong năm 2023 là 101,9 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu dầu ngày càng tăng trong bối cảnh căng thẳng trên thị trường thế giới sau khi một số thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (còn gọi là OPEC+)cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá. Do đó, nguồn cung dầu toàn cầu đã giảm 910.000 thùng/ngày trong tháng 7 xuống 100,9 triệu thùng/ngày.
Hơn nữa, sau khi Saudi Arabia cắt giảm mạnh sản lượng trong tháng 7/2023 đã khiến sản lượng của OPEC+ (gồm 23 quốc gia) giảm mạnh hơn nữa từ 1,2 triệu thùng/ngày xuống 50,7 triệu thùng/ngày, mức thấp gần hai năm.
Trước những biến động của thị trường, một số nước một số thành viên OPEC+ (trong đó có cả Saudi Arabia) đã quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng 8 và 9, một quyết định bất ngờ để hỗ trợ giá trong thời gian ngắn nhưng theo các chuyên gia điều này không dẫn đến sự gia tăng bền vững.
Ngay sau thông báo của Saudi Arabia, Nga cho biết họ sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu thô 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 và cắt giảm thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.
Tuy nhiên, IEA dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ chậm lại sang năm 2024 khi thế giới nỗ lực chung tay để chống biến đổi khí hậu và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Còn theo OPEC nhận định, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm nay và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ mạnh mẽ trong năm 2024 khi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới cải thiện hơn.