Trong số này, phần lớn là doanh nghiệp dịch vụ, với 103.127 doanh nghiệp, chiếm 75,8%, tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiếp sau là nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, với 31.585 doanh nghiệp, chiếm 23,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp mới trong ngành này giảm 0,53%. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản cũng ghi nhận việc giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới, với 1.373 doanh nghiệp mới, giảm 5,24% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp này là 1,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023). Tuy nhiên, so với cùng kỳ, số lao động đăng ký giảm 8,68%, với 815.574 lao động.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 66.240 doanh nghiệp.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng là hơn 2,6 triệu tỷ đồng (giảm 4,67% so với cùng kỳ năm 2023).
Quy mô vốn đăng ký bình quân/một doanh nghiệp đạt 9,6 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 10 tháng trong 5 năm 2020-2024 (11,2 tỷ đồng).
Tính chung, doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 10 tháng năm 2024 và tháng 10 là 202.325 doanh nghiệp.
Tuy nhiên 10 tháng qua ghi nhận 173.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, tạm ngừng kinh doanh 92.135 doanh nghiệp; chờ làm thủ tục giải thể 63.712 doanh nghiệp; giải thể 17.353 doanh nghiệp.
Trao đổi về nguyên nhân khiến các doanh nghiệp giải thể, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã thực hiện khảo sát và thấy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn về thị trường là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay.
Theo khảo sát xu hướng kinh doanh doanh nghiệp tháng 9 của Tổng cục Thống kê, trên 50% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn từ thị trường trong nước và áp lực cạnh tranh trên thị trường.
Thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, tập trung tháo gỡ vướng mắc, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục triệt để.
Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh... trong một số lĩnh vực còn chưa triệt để; công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa thống nhất.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao. Sức cầu trong nước phục hồi chậm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019.
Cùng với đó tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có nhiều chuyển biến rõ nét.
Thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn khó khăn; các vấn đề pháp lý tồn đọng của một số doanh nghiệp, dự án đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến nguồn lực đầu tư chưa được khai thác hiệu quả.
Ngoài ra theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới do tình hình thế giới khó lường, nhiều rủi ro, đặc biệt là xung đột quân sự tại Trung Đông, Ukraine và sự điều chỉnh chính sách của một số nước lớn. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.
Trong số các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.