Hậu Covid-19: Tăng trưởng tín dụng sẽ đi về đâu?

07/05/2020 20:51

Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng trong năm 2020 sẽ tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900 nghìn tỷ đến 1,1 triệu tỉ đồng với mức tăng dự báo khoảng 11-14%. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến các chuyên gia, công ty phân tích thị trường đều cho rằng rất khó để đạt được mức 14% như kỳ vọng.

Các chuyên gia dự báo tín dụng sẽ tăng trưởng trở lại sau hậu Covid-19, 
nhưng mức tăng cả năm chỉ đạt 11% (Ảnh minh hoạ: Internet)

 

4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong những năm gần đây, thậm chí nửa đầu tháng 4 tín dụng tăng trưởng âm đã kéo theo những lo ngại về mức tăng trưởng cả năm. Tuy nhiên, tín dụng đã tăng tích cực trở lại trong giai đoạn nửa tháng 4, mức tăng từ 0,8% vào giữa tháng 4 lên 1,32%, tương đương tăng trưởng được 0,52%.

Nhu cầu tín dụng bị đình trệ bởi Covid - 19

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 hôm qua 5/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đình trệ hoạt động là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng.

Do đó, để hỗ trợ nền kinh tế,doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng từ đại dịch, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ.Tính đến cuối tháng 4, các gói tín dụng được các ngân hàng công bố là hơn 650.000 tỷ đồng.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đến nay đã triển khai đến 170.000 khách hàng với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỷ đồng, đã miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỷ đồng. Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng với dư nợ trên 980.000 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 - 2%, thậm chí có một số tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất từ 2,5 - 4%).

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1 - 2% cho khoảng 150.000 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế kể từ 23/1 tới nay là trên 500.000 tỷ đồng.

Vì thế, tính đến ngày 28/4/2020, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Như vậy, sau khi suy giảm từ mức 1,3% cuối tháng 3 xuống 0,87% vào nửa đầu tháng 4, tín dụng nửa cuối tháng 4 đã tăng tích cực trở lại.

Với kết quả này, NHNN dự kiến tín dụng trong năm 2020 sẽ tăng thêm cho nềnkinh tế khoảng 900 nghìn tỷ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11-14%. Với kịch bản dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý II, các chuyên gia dự báo tín dụng sẽ tăng trở lại trong quý III, quý IV, dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ đạt 11%.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng tín dụng chậm so với những năm trước. Cụ thể năm 2014 là 14,4%, 2015 - 2017 đều từ 18% trở lên, 2018 là 14% và 2019 là 13%, thì mức dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay đặt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát cũng là con số khả quan.

Mặt khác, theo quy luật thông thường, tín dụng thường tăng chậm trong các tháng đầu năm, rồi bật mạnh vào những tháng cuối năm khi nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Không nởi lỏng điều kiện để tăng trưởng tín dụng

Trước những ý kiến cho rằng NHNN nên nới lỏng các điều kiện vay vốn để những doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn nhằm phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Thống đốc Lê Minh Hưng nói rằng, hệ thống ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. "Nhưng nguồn vốn tín dụng này, các chương trình hỗ trợ này đều đến từ tiền gửi của người dân và chính doanh nghiệp, nên trách nhiệm đầu tiên của các tổ chức tín dụnglà phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn để đảm bảo an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô." Ông Hưng nói.

Việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ, hệ thống ngân hàng đã được củng cố. Chính vì hệ thống ngân hàng hiện nay tốt hơn rất nhiều mới có cơ sở, có điều kiện để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành ngân hàng không được phép nới lỏng các điều kiện tín dụng, tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ của ngân hàng, rút ngắn thời gian, những tiêu chuẩn, điều kiện để đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng là yêu cầu tiên quyết.

Thống đốc NHNN nói: “Có rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng, kể cả không có dịch cũng rất khó khăn, không thể xử lý được các vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, những kiến nghị cụ thể sẽ được xử lý. NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn toàn quốc để trực tiếp xử lý và tháo gỡ những kiến nghị. Nhưng những doanh nghiệp với phương án phải đảm bảo khả thi, có khả năng sử dụng vốn đúng mục đích, có khả năng trả được nợ thì mới được các tổ chức tín dụng xem xét".

Tư lệnh ngành ngân hàng khẳng định, vấn đề cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ là một quyết định rất đột phá của NHNN đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng, để giúp cho các khoản nợ, kể cả nợ gốc và nợ lãi, đến hạn trong giai đoạn này. Khi có dịch, khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vay vốn không phải trả nợ tại dòng tiền tạo thanh khoản. Đồng thời, kết hợp cho vay mới cũng như giảm lãi suất cho dự nợ hiện hữu và giảm lãi suất cho dư nợ cho vay mới là những hành động quyết liệt của hệ thống ngân hàng để chia sẻ, đồng hành với nền kinh tế.

Những vấn đề này chắc chắn sẽ được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đối thoại giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp hôm 9/5 tới. Đây là dịp để ngành ngân hàng cùng các Bộ, ngành và Chính phủ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, kiến nghị và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/hau-covid-19-tang-truong-tin-dung-se-di-ve-dau/20200507110654710"

Bạn đang đọc bài viết "Hậu Covid-19: Tăng trưởng tín dụng sẽ đi về đâu?" tại chuyên mục KINH TẾ.