Thị trường gạo thế giới tiếp tục sôi sục. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 3/8 leo tiếp lên 598 USD/tấn đối với loại 5% tấm, tăng 5 USD so với ngày 2/8 và tăng 10 USD so với mức 588 USD/tấn ghi nhận trong ngày đầu tháng 1/8.
So với mức giá ngày 20/7 khi Ấn Độ bắt đầu cấm xuất khẩu, giá gạo 5% của Việt Nam đã tăng thêm 12,2% (khi đó là 533 USD/tấn). Cùng khoảng thời gian, gạo 5% tấm của Thái Lan tăng thêm 81 USD, tương đương mức tăng 14,9%.
Giá gạo 25% tấm của Việt Nam, tính tới ngày 3/8, được xuất khẩu ở mức giá 578 USD/tấn, so với 568 USD/tấn của Thái Lan.
Giá gạo bán ra thế giới của một số nước xuất khẩu top đầu thế giới khác cũng đều tăng nhưng có giá thấp hơn giá gạo Thái Lan và Việt Nam.
Như vậy, giá gạo thế giới vẫn xu hướng tiếp tục đi lên cho dù đã xác lập đỉnh cao nhất trong 10 năm sau 2 tuần kể từ khi Ấn Độ (quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới) cấm xuất khẩu gạo. Sau Ấn Độ, Nga (hôm 29/7) và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE (hôm 28/7) cũng đã cấm xuất khẩu gạo.
Giá gạo tăng cao đẩy giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng. Cụ thể, giá lúa OM 5451 lên mức 6.800 - 7.000 đồng/kg, lúa OM 18 lên mức 6.900 - 7.100 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 ở mức 6.900 - 7.100 đồng/kg.
Trong bối cảnh giá gạo thế giới tăng cao, hồi cuối tháng 7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Theo Bộ Nông nghiệp, đây là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nếu không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội này.
Chỉ thị nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,58 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Giá gạo bình quân 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Dự kiến trong năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về 4,1 tỷ USD.