Ghé làng Đông Cứu tìm hiểu nghề phục chế long bào

31/10/2022 08:50

Ở Hà Nội có một ngôi làng nức tiếng với nghề độc nhất vô nhị là "thêu áo cho vua" tại Đông Cứu (Thường Tín). Nghề thủ công truyền thống của làng đã vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ nội thành Hà Nội, xuôi về phía Nam khoảng 20km theo Quốc lộ 1A không khó để hỏi thăm làng Đông Cứu thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Nếu không đi sâu vào từng ngõ, hỏi thăm từng nhà thì ban đầu du khách sẽ ngỡ rằng đây chỉ là một làng thuần nông như nhiều làng khác ở Bắc Bộ, tuy vậy nếu tiếp cận vào các xưởng sẽ thấy không khí làm việc cần mẫn của các thợ thêu làng nghề.

1-1666942565.jpeg
Không khí làm việc cần mẫn của các thợ thêu làng nghề Đông Cứu. Ảnh: Tổ Quốc
2-1666942565.jpeg
Những  nghệ nhân thêu ở làng Đông Cứu dù không được đào tạo qua trường lớp cụ thể, chỉ học qua phương thức truyền miệng nhưng họ vẫn làm ra những sản phẩm chất lượng. Ảnh: Làng nghề Việt

Làng thêu Đông Cứu (thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, phát triển rực rỡ ở thời nhà Nguyễn và vẫn tồn tại tới ngày nay. Đây chính là nơi sản xuất ra những bộ long bào phục vụ cho các vương triều phong kiến Việt Nam.

Hiện nay, ngoài việc thêu long bào, khăn chầu, áo ngự phục vụ các loại hình diễn xướng sân khấu, Đông Cứu còn có nghề phục dựng long bào cổ trở thành những di sản văn hóa mang giá trị lịch sử sâu sắc.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, làng Đông Cứu hiện là ngôi làng duy nhất vẫn còn giữ lối thêu cổ với nghề phục dựng long bào, áo mão cho vua chúa, quý tộc trong triều đình xưa.

3-1666942565.jpeg
Bộ long bào của vua Đồng Khánh - vị vua thứ chín của nhà Nguyễn được phục dựng. Ảnh: Tổ quốc

Kỹ thuật thêu Đông Cứu có nhiều điểm đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có như: Nhồi vòng quanh kim tuyến, thêu quắn, các kỹ thuật này tạo ra chênh lề, ghệch độn… hết sức độc đáo mà nghệ nhân thêu gọi đó là ngôn ngữ thêu.

Sự tỉ mỉ không chỉ ở lúc thêu mà trước đó các công đoạn như chọn chỉ tơ, chọn sợi kim tuyến, vẽ mầu, sáng tạo hình ảnh, in kiểu lên vải cũng vô cùng cầu kỳ, tỉ mẩn. Tuy là một màu chỉ, một mũi kim nhưng với bàn tay của các nghệ nhân, các đường viền có gì đó mềm mại, uốn lượn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với các sản phẩm thêu ở nơi khác.

Thậm chí, ở làng Đông Cứu mỗi nghệ nhân lại có một thế mạnh riêng, ví dụ như nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chuyên thêu long bào, áo ngự, nghệ nhân Nguyễn Đắc Bảy thêu quạt vải; nghệ nhân Nguyễn Bá Tuy được biết đến với những sản phẩm hia, hài, nón thờ mẫu…

Theo nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, linh hồn của nghề thêu truyền thống chính là những hình rồng phượng, vân mây nẩy trăng, hoa lá uốn lượn... Những họa tiết này phải được sắp xếp bố cục cân xứng trên tà áo. Hoa văn thể hiện sự lộng lẫy, đồng thời thể hiện thứ bậc, giai cấp trong xã hội xưa.

4-1666942545.jpeg
5-1666942573.jpeg

6-1666942573.jpeg

Từng đường kim, mũi chỉ được nghệ nhân của làng nắn nót thêu tay với kỹ thuật đặc biệt. Ảnh: Sưu tầm

Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của nghệ nhân Đông Cứu, những bộ long bào được phục dựng giống tới 80 - 90% với nguyên bản. Đó là cả một quá trình dày công nghiên cứu và phục dựng.

Nghề thêu, phục chế long bào Đông Cứu ngay từ khi ra đời đã không chỉ là một nghề mưu sinh mà còn là một nét đẹp văn hóa. Trên mỗi bộ long bào không chỉ thể hiện uy quyền của vua chúa mà còn thể hiện bản sắc dân tộc, vì vậy cho dù nghề có thăng trầm như thế nào thì nhân dân Đông Cứu và các cơ quan quản lý văn hóa vẫn cố gắng gìn giữ nghề.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận Nghề thủ công truyền thống làng Đông Cứu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này không chỉ giúp bảo tồn tốt hơn làng nghề mà còn mở thêm nhiều cơ hội phát triển cho địa phương.

Không chỉ tạo ra các sản phẩm thêu độc đáo, làng Đông Cứu còn là một điểm du lịch thu hút nhiều khách du lịch tham quan.

 

An Mai
Bạn đang đọc bài viết "Ghé làng Đông Cứu tìm hiểu nghề phục chế long bào" tại chuyên mục TIN TỨC.