F0 khỏi bệnh lo tái nhiễm, chuyên gia lý giải vì sao có người nhiễm Covid-19 lần 3?

08/03/2022 10:42

Nhiều F0 khỏi bệnh, thậm chí vẫn đang điều trị, lo lắng nguy cơ tái nhiễm trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới.

tai-1646710876.png

F0 khỏi bệnh lo lắng tái nhiễm

Sau 10 ngày cách ly, điều trị tại nhà, Phạm Gia Huy, 29 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, anh quyết định tiếp tục tự cách ly tại nhà thêm 7 ngày, rồi mới đến cơ quan làm việc.

Anh Huy cho biết, văn phòng liên tục "nổ" F0, các nhân viên lần lượt đều mắc Covid-19, chiếm 40% nhân sự. Trong số đó, 2 người tái nhiễm chỉ sau 2 tháng khỏi bệnh, khiến nhiều người dù đã khỏi bệnh như anh, cũng không khỏi lo lắng.

"Tôi vẫn giữ lại toàn bộ những loại thuốc như thuốc ho, hạ sốt, vitamin, xịt mũi và họng,… đề phòng nếu tái nhiễm sẽ sử dụng", anh nói.

Nam nhân viên chia sẻ, xung quanh anh mọi người hay đùa nhau "bị F0 xong sẽ bất tử", nhưng anh lo ngại trước tình trạng nhiều người nhiễm lần 2, thậm chí lần 3. Qua tìm hiểu, anh biết việc tái nhiễm lại cùng 1 chủng virus gần như không có, tuy nhiên hoàn toàn có thể mắc chủng mới.

"Không loại trừ khả năng có những người trước đó đã mắc chủng Delta, nay lại mắc thêm g Omicron. Trong chủng Omicron hiện cũng đã có cả biến thể phụ BA.2 hay còn được gọi là 'Omicron tàng hình' dễ xuất hiện tình trạng tái nhiễm", anh Huy cho hay.

Để "phòng vệ", nam thanh niên tuân thủ nghiêm 5K, đặc biệt đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Anh cũng hạn chế đến các quán ăn vào giờ nghỉ trưa để tránh tụ tập đông người, thay vào đó đặt đồ ăn trên mạng hoặc tự mang cơm.

"Chúng tôi cũng giãn cách bàn làm việc để tránh lây nhiễm chéo nếu không may xuất hiện F0 tại cơ quan", anh chia sẻ.

F0 khỏi bệnh lo tái nhiễm, chuyên gia lý giải vì sao có người nhiễm Covid-19 lần 3? - Ảnh 1.

Sau 3 ngày điều trị, Minh Quân giảm các triệu chứng. Dù chưa khỏi bệnh, anh đã lo lắng tình trạng tái nhiễm

Ngọc Linh, 26 tuổi, trú quận Hoàng MaiHà Nội dương tính với SARS-CoV-2 ngày 23/2. Sau 10 ngày tự cách ly và điều trị tại nhà, cô khỏi bệnh, nhưng lo ngại phải đối diện với Covid-19 một lần nữa trong bối cảnh nhiều F0 tái nhiễm.

Mắc Covid-19 là một trải nghiệm không mấy dễ dàng với Ngọc Linh. Hậu Covid-19, tinh thần cô gái luôn rơi vào tình trạng uể oải, cơ thể mệt mỏi và "không còn sức sống". Tâm lý cũng thay đổi nhiều, đặc biệt hay xuất hiện lo âu và lo lắng.

"Nhiều người thân chia sẻ việc tái nhiễm Covid-19 khiến tôi hoang mang và sợ hãi", cô nói và cho biết sau khỏi bệnh, hạn chế đến chỗ đông người, không tụ tập bạn bè, tuân thủ nghiêm 5K và cố gắng bảo vệ bản thân tốt nhất có thể.

"Tôi biết có nhiều người nhiễm Covid-19 lần thứ 3, mệt hơn và sức khỏe kém đi so với hai lần trước. Nếu sau này cứ tái nhiễm như này, cơ thể rất mệt mỏi, hậu Covid-19 sẽ bào mòn sức lực rõ rệt", Linh nói.

Không riêng Gia Huy hay Ngọc Linh, nhiều F0 chưa khỏi bệnh, cũng rất hoang mang trước thông tin tái nhiễm Covid-19.

Nguyễn Minh Quân, 27 tuổi, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội mắc Covid-19 cuối tháng 2, trải qua những ngày "vật lộn" với virus không hề "đơn giản" như mọi người vẫn nghĩ. Là người trẻ, tiêm đủ 3 mũi vaccine Covid-19, Quân từng chủ quan với tâm lý "Ai rồi cũng là F0" và cho rằng Covid-19 cũng chỉ như "cảm cúm thông thường".

Cho đến khi, Quân bị những cơn sốt rét hành hạ, khắp cơ thể đau nhức "như bị ai đánh". Sau một đêm trằn trọc không ngủ được, anh gần như không còn chút sức lực nào.

Mắc Covid-19 khiến cuộc sống gia đình "đảo lộn", không những vậy, anh còn canh cánh một nỗi lo khác – tái nhiễm - dù chưa khỏi bệnh. "Nhiều người chia sẻ sau hơn một tháng khỏi bệnh lại bị tái nhiễm, triệu chứng thậm chí còn nghiêm trọng hơn khiến tôi rất sợ hãi", Quân nói.

Vì sao có người nhiễm Covid-19 tới 3 lần?

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 5/3, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, vaccine hiện vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do đó, Bộ vẫn đặt công tác tiêm chủng lên ưu tiên hàng đầu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và số trường hợp nhiễm cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố. Tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn "bệnh lưu hành".

Đặc biệt, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron. Kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Ngoài ra, biến thể BA.2, còn được gọi là "Omicron tàng hình" đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.

Đánh giá khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

"Dù Omicron hay Delta, thì người bệnh cũng không nên chủ quan và cũng không nên sợ hãi. Thay vào đó, F0 nên bình tĩnh, tự tin, không uống thuốc 'vô tội vạ', mà theo các hướng dẫn chính thống từ Bộ Y tế. Tránh dự trữ thuốc với hi vọng phòng lây nhiễm", một chuyên gia y tế khuyến cáo.

F0 khỏi bệnh lo tái nhiễm, chuyên gia lý giải vì sao có người nhiễm Covid-19 lần 3? - Ảnh 2.

Bác sĩ quân y đến nhà chăm sóc F0 tại TP.HCM hồi tháng 8/2021 (Ảnh: Viết Thanh)

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số những bệnh nhân ông từng điều trị, có trường hợp tái nhiễm Covid-19 sớm nhất 3 tuần.

Theo bác sĩ Phúc, các bệnh nhân tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ, được điều trị tại nhà. Có nhiều người nhiễm lần 2, thậm chí cũng có số ít người nhiễm lần 3 - mỗi lần một biến chủng khác nhau ví dụ như Alpha, Delta và Omicron.

"Các lần tái nhiễm sau nặng hơn lần trước có thể là do mỗi lần mắc một biến chủng khác nên có triệu chứng nặng nhẹ khác nhau. Ví như nhẹ nhất là Alpha, sau là Omicron, cuối cùng triệu chứng nặng nhất là chủng Delta", bác sĩ Phúc nói hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học hay thống kê cụ thể về việc người tái nhiễm có triệu chứng nặng hay nhẹ hơn so với lần đầu.

Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, hiện đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ngay sau khi bệnh nhân mới khỏi bệnh.

Theo bác sĩ Hoàng, để chắc chắn bệnh nhân tái nhiễm, cần giải trình tự gene. Nếu gene virus khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau, và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin, nguyên tắc tái nhiễm là mang chủng khác. Nếu người bệnh hiện giờ phát hiện tái nhiễm, thì khả năng mắc chủng Omicron.

"Nếu F0 mắc chủng Delta khỏi bệnh, nhiễm lại khả năng mắc Omicron, nhưng nhẹ hơn", bác sĩ Khanh nói.

Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh sau khỏi Covid-19 không nên chủ quan, vẫn cần tuân thủ nghiêm quy định 5K, cố gắng tăng cường bảo vệ sức khoẻ.

Minh Nhân