Đồng vốn mang đậm tình làng, nghĩa xóm

18/11/2020 21:50

Đồng vốn tín dụng ngân hàng đã và đang đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, công cuộc xóa đói giảm nghèo... Trong dòng chảy đó, đồng vốn của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã phát huy hiệu quả vô cùng to lớn khi nó thấm đẫm tình làng, nghĩa xóm ở khu vực nông thôn…

Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và còn bị tác động của thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhưng theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2020, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng là 2,93%, cao hơn quý I và II. Trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 3,21%, lâm nghiệp tăng 1,70%, thủy sản tăng 2,47%. Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 1,84% (nông nghiệp tăng 1,65%, lâm nghiệp tăng 2,02%, thủy sản tăng 2,44%).

Những năm qua, Chính phủ và NHNN Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, bơm vốn và tạo thêm vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn sản xuất, kinh doanh. Các chính sách được ban hành góp phần cho tín dụng của ngân hàng tích cực chảy vào lĩnh vực được ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở để nhiều nguồn vốn khác khơi thông như vốn ngân sách nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tín dụng thương mại, tín dụng ưu đãi… cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Đồng vốn của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và QTDND đã phát huy hiệu quả
vô cùng to lớn khi nó thấm đẫm tình làng, nghĩa xóm ở khu vực nông thôn. (Ảnh minh họa)

 

Như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ (thay thế Nghị định 41/2015/NĐ-CP ngày 12/4/2010) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định 55/2015 là những chính sách mang tính đột phá để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thông qua nhiều chính sách mang tính đặc thù đối với lĩnh vực này.

Nhờ đó, những năm qua, những đồng vốn tín dụng Ngân hàng đã phát huy hiệu quả, góp phần “thay da đổi thịt” ở nhiều địa phương, giúp nhiều người dân có vốn phát triển kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình đã giàu có, tạo công ăn việc làm cho địa phương…

Trong dòng chảy tín dụng về nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và hệ thống QTDND đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Là loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác tác xã phục vụ chủ yếu cho nông nghiệp - nông thôn nên ngay sau khi nghị định 41/2010/NĐ-CP được ban hành và sau này được thay thế bằng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam nói riêng và hệ thống QTDND nói chung đã tập trung đẩy mạnh cho vay hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề.

Đặc biệt với vai trò “Ngân hàng của tất cả các QTDND”, trong những năm qua Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam không những làm tốt nhiệm vụ đầu mối của hệ thống QTDND, giữ vai trò điều hoà vốn mà bên cạnh đó còn tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn vốn trung và dài hạn (nhất là từ các dự án của các tổ chức tài chính quốc tế) với lãi suất ưu đãi để cho vay đối với khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời, đưa ra những sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn nông thôn.

Hoạt động của các QTDND không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt kinh tế
mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn. (Ảnh minh họa)

 

Trước sự khó khăn của các khách hàng, đặc biệt là khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19, bão, lũ tại khu vực miền Trung, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các QTDND đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp kịp thời hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ…

Đối với các QTDND, với đặc thù hoạt động của mình, đồng vốn chủ yếu huy động tại chỗ, cho vay tại chỗ của hệ thống QTDND thấm đẫm tình làng nghĩa xóm nên không chỉ đơn thuần là vốn mà đi theo nó là đạo lý “lá lành đùm lá rách”, là những sẻ chia về kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Bà Đoàn Thị Mầu - Giám đốc QTDND An Đồng (Hải Phòng) chia sẻ, để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động, QTDND An Đồng thường xuyên quan tâm đến công tác phát triển và chăm sóc thành viên. Không chỉ tận tình hướng dẫn và hỗ trợ để khách hàng, thành viên hoàn thành thủ tục vay, trả vốn một cách nhanh gọn; các cán bộ của QTDND còn góp ý và tư vấn cho bà con cách lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của từng hộ để họ tránh được những rủi ro, thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh; sử dụng đồng vốn vay đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng bởi vậy các thành viên của hệ thống QTDND luôn động viên nhau sử dụng vốn đúng mục đích, động viên vay trả nợ đúng hạn và tích cực góp vốn vào QTDND để hỗ trợ những người khó khăn. Nhờ đó, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gay gắt, song tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống vẫn tăng trưởng đều đặn.
Bên cạnh đó, hệ thống QTDND còn là kênh vốn hiệu quả nhằm đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT QTDND Hải Bình (Thanh Hóa) cho biết, nhiều năm trước, đời sống của người dân tại địa phương gặp nhiều khó khăn, do nguồn vốn thiếu, tình trạng bà con phải vay nặng lãi với lãi suất cao khá phổ biến. Nhưng từ khi có QTDND Hải Bình ra đời, tình trạng vay ngoài chỉ còn rất ít so với trước.

“Hoạt động của QTDND Hải Bình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn, người dân được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội của địa phương”, ông Thọ nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng vốn của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các QTDND đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ dần tệ cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn.

NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM tiền thân là QTDND Trung ương được thành lập ngày 05/08/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là “Ngân hàng” của tất cả các QTDND, thành lập theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND, ngoài ra Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam còn cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có Trụ sở chính tại Tầng 4 – Tòa nhà N04 – Hoàng Đạo Thúy – P. Trung Hoà – Q. Cầu Giấy – Hà Nội với 32 Chi nhánh, 70 Phòng giao dịch. Hiện cả nước có gần 1.200 QTDND thành viên ở các xã, phường, là các pháp nhân độc lập trong một hệ thống liên kết, được NHNN cấp phép, quản lý và thanh tra, giám sát chặt chẽ. 

Theo Hoàng Cường
 

Bạn đang đọc bài viết "Đồng vốn mang đậm tình làng, nghĩa xóm" tại chuyên mục TIN TỨC.