Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 4 tổ chức ngày 17/8, tại Hà Nội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò vùng động lực, định hướng cho tăng trưởng nền kinh tế cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng trong 7 tháng qua đạt 7,21%, cao hơn bình quân chung của cả nước; đứng thứ 3/6 vùng kinh tế của cả nước và gấp 1,3 lần Vùng Đông Nam Bộ.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước vùng ĐBSH đạt 521.000 tỷ đồng. Đây cũng là con số cao nhất nước, chiếm 41% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, giá trị xuất khẩu của vùng cũng đứng đầu cả nước khi đạt trên 80 tỷ USD, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.
Vùng cũng ghi nhận có 29.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 31% cả nước, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, đã có 14.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, chiếm 32% cả nước, tăng 6,9%.
Những con số này giúp vùng ĐBSH đứng thứ 2 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, chỉ sau vùng Đông Nam Bộ.
Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công của vùng ước đạt 55.757 tỷ đồng, cao nhất cả nước, đạt gần 32% kế hoạch. Một số địa phương trong vùng nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao là Nam Định (78%), Thái Bình (46%), Vĩnh Phúc (38%) và Hà Nam (38%).
Liên quan đến các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSH trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các thành viên Hội đồng đã hoàn thành 19/23 nhiệm vụ được giao. Về các nhiệm vụ còn lại, các bộ, địa phương cũng đang khẩn trương triển khai.
Về các nhiệm vụ năm 2024, trong 7 tháng các bộ, địa phương cần cơ bản hoàn thành 8 nhiệm vụ. Trong đó, 3 nhiệm vụ đã hoàn thành: Luật Thủ đô (sửa đổi); Phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch tỉnh Hưng Yên; hoàn thành Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 5 nhiệm vụ đã hoàn thành dự thảo, đang gửi xin ý kiến các bên liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dự án còn gặp khó khăn, như: công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ xây dựng các khu tái định cư, di chuyển hạ tầng kỹ thuật còn chậm; thiếu nguồn cung cấp đất, cát, vật liệu san lấp, giá thành cao; vướng mắc liên quan đến Dự án thành phần 3 theo phương thức PPP.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương trong vùng cần kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án như: dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình theo phương thức PPP; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng; 3 dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi...