Doanh nghiệp thuỷ sản kiến nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

04/08/2020 17:12

Trước vướng mắc của doanh nghiệp (DN) thuỷ sản về chính sách thuế, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã đề nghị Tổng cục Thuế xem xét cho các DN chế biến thủy sản.

Chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Ảnh: T.H.

 

Theo kiến nghị của các DN, sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ bằng cách sửa đổi lại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư 26/2015/TT-BTC.

Trước đó, VASEP đã nhận được phản ánh từ các DN thủy sản về việc các DN này gặp vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho ngành chế biến thủy sản liên quan đến quy định và việc thực thi Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 theo hướng mà đa số mặt hàng thủy sản chế biến XK lại bị áp sang là hàng “sơ chế” thay vì là “chế biến” khiến các DN không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN.

Hiện nhiều DN thuỷ sản đang bị áp mức thuế suất thuế TNDN cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế TNDN 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các DN này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất TNDN là 10% (điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn) hoặc là 15% theo Khoản 5 Điều 11 và Khoản 1 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính (tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế).

VASEP cho rằng, việc áp mức thuế suất thuế TNDN cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế TNDN 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các DN này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến đang gây nhiều bất cập và không phù hợp với thực tiễn.

Các DN thuỷ sản cho rằng, hoạt động chế biến của các DN thủy sản gồm 3 dạng: Chế biến từ sản phẩm tươi sống để XK; Chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín và Chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng (GTGT). Nhưng khi quyết toán thuế hoặc thanh tra, kiểm tra các DN chế biến thủy sản, các sản phẩm của cả ba dạng chế biến trên đều không được các cơ quan ngành thuế công nhận là sản phẩm “chế biến” mà chỉ là "sơ chế".

Điều bất cập này khiến tỷ lệ phải nộp thuế của các DN thủy sản hiện tại (bao gồm cả sản phẩm SXXK, tiêu thụ nội địa hay gia công) đều là 20% - không đúng với bản chất chế biến của ngành.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thủy sản đông lạnh đều trải qua quá trình cấp đông và bảo quản lạnh đông với các công nghệ cấp đông, bảo quản lạnh đông hiện đại, tối tân, đòi hỏi chi phí cao và mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm (kéo dài thời gian bảo quản cho sản phẩm, giúp duy trì chất lượng và an toàn cho sản phẩm). Đây chính là “phương pháp công nghiệp” được ghi rõ trong định nghĩa sản phẩm chế biến của Luật An toàn thực phẩm năm 2010.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-thuy-san-kien-nghi-uu-dai-thue-thu-nhap-doanh-nghiep/20200803073714671"