Theo Vietdata, ngành gym Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 20%. Phần lớn thị phần nằm trong tay các thương hiệu cao cấp. Tuy nhiên, gần đây, hầu hết thương hiệu phòng tập lớn đều thu hẹp hoặc không thay đổi số lượng câu lạc bộ. Chưa kể, cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt về mạng lưới, giá cả và các hình thức mới.
Trong vòng hai năm qua, số lượng phòng tập Fitness & Gym tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,... đã giảm sút đáng kể. Nhiều cơ sở gym, đặc biệt là những phòng nhỏ lẻ, đang gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, thậm chí đã có thông báo tạm dừng hoạt động, dừng hoạt động.
Một chuỗi phòng gym như CityGym, 25 Fit, Diamond Fitness Center… đã thu hẹp hoạt động với quy mô từ một cho đến hàng chục chi nhánh.
Trong khi đó, các “ông lớn” ngành này như California Fitness & Yoga hay Elite cũng thận trọng với quyết định mở mới phòng tập. Số lượng chi nhánh của Elite vẫn “dậm chân tại chỗ”, trong khi, California Fitness & Yoga chỉ khai trương thêm vỏn vẹn 2 chi nhánh trong hai năm qua.
Thu hẹp quy mô hoạt động không phải là tình trạng cá biệt tại các chuỗi này.
Mới đây, chuỗi phòng gym cao cấp Fit24 thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh từ ngày 5/10 "vì những lý do khách quan bất khả kháng".
Không chỉ Fit 24, trước đó, Getfit Gym & Yoga - chuỗi phòng gym có tuổi đời 14 năm cũng đóng cửa tất cả chi nhánh từ ngày 4/9 vì "những lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Getfit hiện đã mở cửa trở lại 2/3 cơ sở, nhưng founder (nhà sáng lập) chuỗi này nhận định thị trường vẫn còn muôn vàn khó khăn.
Theo chuyên gia của VMG Media, động thái thông báo tạm ngừng của một số chuỗi phòng gym trong thời gian gần đây do thị trường phòng gym đang đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt. Cụ thể, ngày càng nhiều phòng gym cung cấp dịch vụ phòng tập riêng cùng PT giá rẻ, chỉ vài triệu đồng/năm trong khi giá thuê mặt bằng tại Hà Nội ngày càng cao, điều đó gây nên sự mất cân đối chi phí nhưng không thể tăng giá quá cao vì sẽ mất khách hàng khi người dân đang thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, xu hướng khách hàng chuyển sang các môn thể thao khác như quần vợt, golf, pickleball... khiến các chuỗi này mất đi lượng khách hàng nhất định.
Hơn nữa, để duy trì lượng khách ổn định, phòng tập gym phải chạy quảng cáo khoảng 40 triệu đến 50 triệu đồng/tháng kèm giảm giá đến 30%-40%. Bên cạnh đó, chủ phòng tập còn phải thường xuyên bỏ ra hàng chục đến cả trăm triệu đồng để cải tạo cơ sở vật chất, bảo trì máy móc, bổ sung tiện ích như phòng tắm, xông hơi…, thuê PT "một kèm một" giá rẻ để giữ chân khách. Chưa kể, khấu hao thiết bị hàng năm rất lớn, lên đến 15%-20%, tùy thiết bị.
Với những đơn vị đầu tư phòng tập gym, giá thuê mặt bằng tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân gây “sức ép” đến tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp thể hình.
Mặt bằng là một trong những chi phí chiếm tỷ trọng cao nhất trong cấu phần kinh doanh của doanh nghiệp thể hình. Đặc biệt, với những doanh nghiệp thuê mặt bằng tại các chung cư cao cấp, chi phí này còn lớn hơn.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này, nhất là với người khởi nghiệp, nên cân nhắc việc đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và môi trường; cung cấp dịch vụ huấn luyện viên cá nhân chất lượng và chuyên nghiệp; lắng nghe phản hồi của khách hàng, cải thiện dịch vụ, hay xây dựng một cộng đồng tập luyện bằng cách tạo ra các sự kiện và nhóm tập thể dục để khuyến khích sự tương tác và gắn kết giữa các thành viên; cung cấp chương trình ưu đãi đặc biệt cho các thành viên trung thành và khuyến khích khách hàng giới thiệu bạn bè,…
Thêm vào đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu dựa vào các tiềm năng và thế mạnh của môi trường số, như định vị thương hiệu một cách sáng tạo, độc đáo; truyền tải các thông điệp cần phù hợp với giá trị và mục tiêu của thương hiệu; sử dụng hình ảnh, video và nội dung trực quan trên môi trường số để tiếp cận và tăng cường độ phủ đến với khách hàng.