Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố ngày 18/7, kỳ 1 tháng 7 (1/7-15/7), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 16,26 tỷ USD. Trong đó có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may.
Kết quả trên đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/7 lên con số 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD).
Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa cho thấy tín hiệu tích cực khi có tới 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu, gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, kỳ 1 tháng 7, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 16,43 tỷ USD. Hai nhóm hàng nhập khẩu tỷ đô trong kỳ này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 195,37 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng 29,37 tỷ USD).
Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD, tăng 56,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2023.
Như vậy, kỳ 1 tháng 7, cả nước nhập siêu nhẹ, nhưng tính chung từ đầu năm đến 15/7, nước ta vẫn xuất siêu 11,88 tỷ USD.
Có thể nói, cầu tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn đang trên đà phục hồi sau khi bị sụt giảm mạnh trong năm ngoái đã tạo động lực cho sản xuất và xuất nhập khẩu. Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nửa cuối năm 2024 dự báo vẫn đang có đà tăng tốc.
Theo chu kỳ, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong những dịp cuối năm; Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ Mỹ và có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc.
Việc triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại đem lại nhiều kết quả tích cực đối với một số mặt hàng, giá nhóm hàng lương thực có thể tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, thuận lợi cho xuất khẩu nông sản...
Trở lực mà doanh nghiệp xuất khẩu đang và tiếp tục đối mặt là căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao, tình trạng ùn ứ tại một số cảng lớn khu vực châu Á tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.