Hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Nội dung đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.
Theo đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn, được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo).
Mức vay tối đa đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỷ đồng, còn với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021. Bộ LĐ-TB&XH ước tính, kinh phí cho vay của chương trình này là 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất thêm chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi cho lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cụ thể, giảm lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo (3,96%/năm; hiện nay lãi suất cho vay là 7,92%/năm). Thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021.
Về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 27/7/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17,5 ngàn tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước Trung ương đã thực hiện giải ngân 11.920,865 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 11.964.652 người và 12.784 hộ kinh doanh, gồm: đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ 11.562.186 người với kinh phí là 11.504,656 tỷ đồng; đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ 402.466 người với kinh phí là 403,425 tỷ đồng. Chi cục Thuế đã thực hiện thẩm định được 22.908 hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ...
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá về căn bản, các địa phương đã hoàn tất việc chi trả hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng (chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tạm hoãn đóng BHXH, chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc...).
Đối với những vướng mắc và đề xuất kiến nghị của các địa phương, ngày 31/7/2020 Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với chính sách hỗ trợ cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, điều chỉnh các điều kiện đối với chính sách cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Cần phương án hỗ trợ hiệu quả, căn cơ
Theo TS.Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên Viện trưởng Viện KH-LĐ&XH), Việc có thêm 1 gói hỗ trợ nữa cho người lao động là cần thiết. Tuy nhiên, các nhóm lao động bị ảnh hưởng khác nhau, mỗi người lại có hoàn cảnh riêng, thời gian phục hồi khác nhau... Việc cào bằng hỗ trợ cũng như các thủ tục như gói hỗ trợ lần 1 là chưa hiệu quả.
Muốn xác định mức độ bị ảnh hưởng của các nhóm nêu trên một cách nhanh chóng và chính xác, cần ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm khai báo như phần mềm Bluezone. Người lao động sẽ sử dụng phần mềm để khai báo xem mức độ ảnh hưởng như thế nào, bao nhiêu người liên quan bị ảnh hưởng. Cơ quan chức năng sẽ thẩm định lại những thông tin này để có những hỗ trợ chính xác hơn, đồng thời lưu trữ những thông tin này để làm cơ sở cho công tác hỗ trợ, đào tạo nghề... Việc hỗ trợ nên thông qua các trung tâm việc làm, thay vì qua địa phương sẽ không hiệu quả, dễ bị cào bằng.
Bên cạnh đó, Ông Lê Quang Trung (nguyên Cục phó Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: Ngay cả việc có thêm gói hỗ trợ đợt 2 vẫn chưa thể bao trùm hết các đối tượng người lao động, bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, kéo dài. Theo tôi, các địa phương có thể chấp nhận "bội chi", thậm chí đi vay để mở rộng hỗ trợ người lao động, những người dân yếu thế.
Các cơ quan chức năng cũng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện và sửa đổi những thủ tục, điều kiện được hưởng hỗ trợ. Phải làm sao để nhiều đối tượng được tiếp cận tiền hỗ trợ chứ không nên đưa ra nhiều điều kiện quá khắt khe. Nhà nước cũng nên tạo điều kiện, như có chính sách bảo lãnh tín dụng, "thưởng lãi suất"... để khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.
Một số chuyên gia cho rằng, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dự báo cuối quý 3 và quý 4, tỉ lệ lao động mất việc làm sẽ tiếp tục tăng mạnh. Do vậy, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, việc đưa ra gói hỗ trợ thứ 2 đối với người lao động bị mất việc, kể cả lao động có hợp đồng lẫn lao động khu vực phi chính thức, là cần thiết.
Tuy nhiên, để kịp thời hỗ trợ người lao động, cần nới lỏng các điều kiện để người mất thu nhập có thể dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ. Với các đối tượng còn lại (gia đình chính sách, có công, hộ nghèo...) nên căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch bệnh để có giải pháp hỗ trợ, vì nhóm người mất việc, mất thu nhập rất lớn.
PV
"https://thuonghieucongluan.com.vn/de-xuat-goi-ho-tro-lan-2-lao-dong-mat-viec-duoc-giup-do-tien-thue-nha-nuoi-con-a111568.html"