Công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững

07/12/2023 08:28

Ngày 6/12, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP).

Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP), sự kiện thường niên lần thứ ba, tại Hà Nội hôm với chủ đề "Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam" quy tụ các lãnh đạo doanh nghiệp, học giả, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách nhằm tìm hiểu tiềm năng biến đổi của công nghệ mới, Công nghiệp 4.0 và cách mạng kỹ thuật số.

Công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững- Ảnh 1.

Diễn đàn nêu bật tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam

Diễn đàn nêu bật tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam. có thể khai thác các khả năng và giải quyết các thách thức trong việc xây dựng năng lực công nghệ. Các nhà giáo dục, nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ quan điểm của họ về nắm bắt cơ hội, thu hút đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh đổi mới và cạnh tranh.

Trưởng Đại diện thường trú của UNDP Ramla Khalidi, trong bài phát biểu khai mạc, nhấn mạnh: "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và những thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra những cơ hội lịch sử để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn và tăng giá trị của hàng xuất khẩu. Khả năng tận dụng những cơ hội này của Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng duy trì tăng trưởng năng suất ở mức thu nhập cao hơn - nói cách khác là tránh bẫy thu nhập trung bình".

Công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững- Ảnh 2.

Các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo DN chia sẻ quan điểm về về nắm bắt cơ hội, thu hút đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, cũng như xây dựng môi trường kinh doanh đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh

Tại diễn đàn, các chuyên gia CIEM đã trình bày "Tổng quan kinh tế Việt Nam 2023: Những động lực chính cho tăng trưởng và phát triển", và đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thảo luận về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (STI) - đòn bẩy quan trọng để Việt Nam tham gia Chuỗi Giá trị Toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP, Jonathan Pincus, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về Bẫy thu nhập trung bình và chính sách công nghệ ở Đông Nam Á, đóng góp góc nhìn toàn cầu cho thảo luận tại diễn đàn.

Công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững- Ảnh 3.

Nhiều mô hình kinh tế mới đã xuất hiện

Để có thể thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng đã đưa ra các khuyến nghị, đề xuất một số giải pháp trọng tâm cho năm 2024. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp đầu tiên vẫn là tập trung ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, cũng cần tiếp tục sự nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy phát triển thị trường hàng hoá dịch vụ.

Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh cho rằng, cũng một phần từ các diễn đàn như thế này, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có thêm thông tin tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, trong đó có những chính sách mang tính nền tảng trong việc hình thành các mô hình kinh tế mới ở Việt Nam như Đề án phát triển kinh tế ban đêm, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Đề án phát triển kinh tế chia sẻ.

Thanh Thủy