Chính sách vĩ mô đang cởi dần những nút thắt
Sở dĩ chúng ta có thế tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản là bởi những yếu tố sau. Trước hết là những động thái tích cực của Chính phủ về chính sách - pháp lý, tiêu biểu như giải quyết vướng mắc tồn đọng trong các dự án từ 2019 trở về trước, quy trình thủ tục được cải thiện thông thoáng hơn; những quy định chính thức về condotel - officetel… Ngoài ra, Chính phủ cũng kịp thời hỗ trợ thị trường bất động sản với một loạt các chính sách ưu đãi như giảm thuế, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, gói hỗ trợ tín dụng cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong khi đó, các chủ đầu tư Việt Nam cũng sẵn sàng đa dạng cơ cấu vốn, đầu tư chú trọng hơn vào chất lượng. Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn FDI năm 2019 vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xu hướng hồi hương tránh dịch Covid-19 của kiều bào cũng tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Lượng kiều hối của Việt Nam 3 năm liên tiếp trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, với 16,7 tỷ USD trong năm 2019, 15,9 tỷ USD năm 2018 và 13,8 tỷ USD năm 2017 theo đường chính thức. Đáng chú ý là hơn 20% lượng kiều hối dành cho lĩnh vực bất động sản.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được thông qua trong tháng 2 và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa.
Cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư tại nhiều tỉnh thành tạo động lực thu hút nhà đầu tư bất động sản. Dưới tác động của dịch Covid-19, đầu tư công được thúc đẩy sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển của ngành bất động sản. Cụ thể trong năm 2020, TP.HCM sẽ khởi công xây dựng 27 dự án giao thông với nhiều dự án trọng điểm như bến xe miền Đông mới, cầu Thủ Thiêm 2…
Bên cạnh đó, để giúp cho thị trường “vượt khó” Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực tín dụng và thuế. VNREA đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ và có gói vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiệp hội cũng đề xuất giãn thời gian nộp các nghĩa vụ vào ngân sách Nhà nước 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế VAT và lùi thời gian nộp thuế...
Doanh nghiệp tích cực mở rộng quỹ đất
Trên thực tế, dù thị trường sôi động hay trầm lắng thì hoạt động mở rộng quỹ đất của các doanh nghiệp bất động sản vẫn lặng lẽ diễn ra. Tuy nhiên, khi quỹ đất các khu vực trung tâm thành phố khan hiếm, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang vùng ven và các tỉnh lân cận.
Các chuyên gia nhận định, bất động sản Việt Nam vẫn là một một thị trường có nhiều tiềm năng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi những lợi thế như nền chính trị ổn định, hạ tầng giao thông phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở lớn. Vì vậy, thời điểm này thị trường chứng kiến nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng những dự án từ chính các nhà đầu tư khác đang gặp khó khăn.
Từ năm 2019 đến nay đã có một số dự án tập trung tại Hà Nội và TP.HCM đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị hơn 500 triệu USD. Dự kiến trong quý 3 và quý 4 sẽ có một số giao dịch diễn ra nếu thuận buồm xuôi gió. Nhóm các nhà đầu tư ngoại tích cực nhất là Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và một số nước châu Âu…
Theo Thạch Vũ
"https://doanhnghiepvn.vn/bat-dong-san/kinh-te-ban-dem-%E2%80%98ga-de-trung-vang%E2%80%99-cua-bat-dong-san-nghi-duong/20200610014032215"