Tại Talkshow "Năm 2022 cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại "ngôi vương"?" mới đây, Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích VNDirect cho rằng, có nhiều tín hiệu cho thấy triển vọng của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022.
Về mặt định giá, hiện định giá cổ phiếu ngân hàng thấp hơn khoảng 15% của đỉnh năm 2021. Vừa qua, khi dòng tiền tập trung quá nhiều vào bất động sản, cổ phiếu vừa và nhỏ khiến định giá nhóm này lên rất cao, thì điều này lại đưa định giá ngân hàng trở nên hợp lý, hiện P/B khoảng 2 lần. Tỷ lệ sinh lời của các ngân hàng niêm yết là khoảng 18-20%. Nếu so với các ngân hàng khu vực thì ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, do đó dư địa NH Việt Nam được định giá lại, có dư địa tăng trưởng còn khá lớn.
Một trong những yếu tố kỳ vọng sự định giá lại là từ dòng vốn nước ngoài. Năm 2021, khối ngoại bán ròng khá mạnh khi họ lo ngại tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam còn thấp, FED tăng lãi suất thì dòng tiền chảy khỏi thị trường mới nổi như Việt Nam. Nhưng hiện tỷ lệ bao phủ vaccine cao và đánh giá tác động từ FED không lớn thì kỳ vọng dòng vốn nước ngoài quay lại và nhóm hưởng lợi đầu tiên là ngân hàng.
Thị trường chứng khoán vẫn đang có sự tham gia nhiệt tình của NĐT trong nước khi tài khoản mở mới tăng cao, giúp duy trì thanh khoản trên thị trường trong năm 2022. Chúng ta bắt đầu ghi nhận những phiên có tới 40-50 nghìn tỷ. Với lượng thanh khoản như vậy, khi nhà đầu tư nhận ra việc đầu tư theo cổ phiếu được hô hào trên các hội nhóm, các doanh nghiệp ít thông tin sẽ rất rủi ro, họ sẽ quay lại các cổ phiếu cơ bản, có công bố thông tin minh bạch thì ngành ngân hàng sẽ được chú ý.
Tuy nhiên, vị chuyên gia của VNDirect cho rằng sẽ khó có sóng ngành mà có sự phân hóa lớn. Việc tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng.
Bà Hiền cho rằng, ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng, đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như bancassurace, ngoại hối thì sẽ có lợi thế. Ngoài ra, NH nào có cho vay cá nhân nhiều sẽ có biên lãi suất cao hơn, trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào thì đang có xu hướng nhích lên. NH nào có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội trong năm 2022.
Nợ xấu có sự nhích lên đáng kể ở quý 3. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,9%, cao hơn 1,7% năm 2020, chưa kể nợ tiềm ẩn, nợ. Điều này phản ánh người dân và DN đã bị thiệt hại khá nhiều bởi đại dịch. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các NH Việt Nam đã khỏe hơn nhiều so với các lần khủng hoảng trước khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhiều ngân hàng rất cao, nhiều bank đạt trên 200%. Và khá nhiều ngân hàng trích lập 50-60% lợi nhuận trước dự phòng, để chuẩn bị cho việc nợ xấu có thể cao hơn nữa trong năm 2022.