Chủ đầu tư và nhà thầu giám sát vật liệu thi công để công trình đảm bảo chất lượng

22/11/2022 10:51

Dự án đường liên kết vùng Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc với thiết kế bề rộng nền đường 22,5m, mặt đường thảm bê tông nhựa rộng 21,5m do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP Đầu tư năng lượng, xây dựng, thương mại Hoàng Sơn, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc Phòng và Công ty TNHH MTV Minh Đăng.

Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt từ ngày 12/11/2021, thuộc dự án nhóm A, công trình giao thông cấp 1 sử dựng vốn đầu tư công; tổng mức đầu tư 3.781 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2021 – 2025, tổng chiều dài tuyến 42,55km gồm tuyến chính dài 36,51 km; đoạn nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường tỉnh 216 dài 6,04 km. Đây là tuyến đường được xây dựng mới, có điểm đầu tại cầu Hòa Sơn nối với huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, đi qua nút giao Yên Bình, giữa tuyến có nhánh rẽ đi đèo Nhe, kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc, điểm cuối tuyến tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ, Thái Nguyên giáp với Vĩnh Phúc.

1-1669025967.jpeg
Nhà thầu đang tập trung cao độ thi công nền đường

Tuyến đường có quy mô thiết kế từ 2 đến 8 làn xe, nền đường rộng 12 đến 47m, công trình trên tuyến gồm 11 cầu và 25 hầm chui dân sinh. Tuyến đường chạy qua 8 xã, phường của TP Phổ Yên với gần 2,5 nghìn hộ dân. Tuyến đường cũng chạy qua các xã Cát Nê, Ký Phú và thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ với hơn 41 ha… Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, giúp đồng bộ hóa hạ tầng giao thông, tăng cường tính liên kết, thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Nam tỉnh Thái Nguyên và vùng lân cận.

Sau khi bàn giao mặt bằng thi công, liên danh các nhà thầu thi công dự án đường liên kết vùng đã tập trung cao độ triển khai các hạng mục đào đắp nền đường trên nhiều đoạn tuyến. Cùng với chỉ đạo nhà thầu đẩy mạnh thi công, chủ đầu tư và tư vấn thường xuyên giám sát nguồn vật liệu cung cấp cho Dự án, đặc biệt là đất san lấp.

Các đơn vị thi công tại dự án ngay sau lễ khởi công vào giữa tháng 5 đã huy động nhân lực, thiết bị triển khai nhiều mũi thi công. Ở thời điểm này, Liên danh nhà thầu đang huy động 72 cán bộ quản lý và kỹ thuật, 191 nhân công, 252 xe, máy tiến hành thi công đồng loạt 16 mũi. Một trong những điểm đang được triển khai rầm rộ nhất là khu vực qua xóm Đồng Đông và xóm Bìa (xã Thành Công, TP. Phổ Yên). Mũi thi công này thuộc Ban Điều hành số 2 - Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng (1 trong 3 ban điều hành thi công Dự án), phụ trách triển khai 5,6km. Tại đây, nhà thầu đang tập trung 10 máy xúc, 12 máy lu, 3 máy ủi, một máy san và khoảng 60 người thi công liên tục, tăng ca đến 9 giờ tối tất cả các ngày. Nếu công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, nhà thầu phấn đấu thông tuyến nền đường đoạn này trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

2-1669025966.jpeg
Nguồn đất san lấp đưa vào Dự án được kiểm soát theo một quy trình chặt chẽ

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thiện Mỹ - Chỉ huy phó Ban Điều hành số 2, cho biết: Theo hồ sơ thiết kế, đoạn tuyến 5,6 km này sau khi đào đắp nội bộ vẫn thiếu khoảng 100.000m3 đất san lấp, sẽ được bổ sung từ đoạn liền kề cũng thuộc Dự án.

Trong quá trình thi công, tư vấn giám sát thường xuyên bố trí 2 người tại hiện trường, đơn vị thí nghiệm cũng luôn có người túc trực để tiến hành thí nghiệm, kiểm tra đất đắp, chất lượng lu lèn đảm bảo đúng hợp đồng. Việc đưa đất ra (đổ thải) và vào công trường luôn phải tuân thủ quy định, được giám sát chặt…

Theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, Dự án có tổng khối lượng đào nền 4.757.000m3; đắp nền 3.663.000m3 và tận dụng khối lượng đất đào điều phối sang đắp nền K95, K98. Ngoài khối lượng đất đủ tiêu chuẩn tận dụng từ đào chuyển sang đắp, Dự án cần mua thêm tại các mỏ đất khác 673.810m3 (Mỏ đất núi Choẹt và Mỏ đất núi Đậu thuộc xã Minh Đức, TP. Phổ Yên, Mỏ đất Khu Đông, phường Bách Quang, TP. Sông Công). 

3-1669025966.jpeg
Phần lớn lượng đất đắp nền trong Dự án Đường liên kết vùng là điều phối nội bộ

Hiện nay, nhà thầu đang tập trung đào đắp nền đường và thi công kết cấu bê tông cốt thép các công trình cống thoát nước, hầm chui. Khối lượng đất đã mua từ Mỏ đất núi Choẹt là khoảng 50.000m3, có đủ hồ sơ pháp lý, được tư vấn giám sát kiểm tra, thí nghiệm tại Mỏ với tần suất 10.000m3/mẫu và tại hiện trường với tần suất 3.000m3/mẫu.


Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên) luôn quán triệt, thường xuyên chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát thực hiện việc quản lý nguồn vật liệu đầu vào của Dự án (đất đắp, xi măng, cát, đá, thép, cấu kiện bê tông đúc sẵn và các vật liệu khác) đúng quy định.

4-1669025966.jpeg
Ông Đặng Xuân Trường - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra thực tế thi công Dự án trên địa phận huyện Đại Từ

Theo đó, trước khi đưa vật liệu vào công trình, nhà thầu phải đệ trình nguồn vật liệu cùng nhà cung cấp cho tư vấn giám sát để kiểm tra nguồn gốc, thí nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật và những vấn đề liên quan khác. Sau khi kiểm tra, tư vấn giám sát trình chủ đầu tư kiểm tra, thí nghiệm và kiểm tra pháp lý của nhà cung cấp, nếu đủ điều kiện thì vật liệu đó được chủ đầu tư chấp thuận bằng văn bản để nhà thầu sử dụng…

Dù quy trình rất chặt chẽ và giám sát thường xuyên như vậy nhưng gần đây có thông tin một số xe tải chở đất lậu vào công trường Dự án. Đại diện chủ đầu tư cho biết: Ngày 26/10 vừa qua, khi phát hiện có khoảng 50m3 – 80m3 đất đắp nền không rõ nguồn gốc tập kết tại công trường, tư vấn giám sát đã kịp thời lập biên bản, yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công đến khi vận chuyển toàn bộ lượng đất này ra khỏi công trường.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư, nguy cơ các nhà thầu cung cấp (thậm chí cá nhân các lái xe chở vật liệu) cố tình trà trộn lượng nhỏ đất lậu vào công trình (hoặc chở đất san lấp từ công trình bán ra ngoài) luôn thường trực, nhất là vào ban đêm, nếu không được giám sát, nghiệm thu chặt chẽ và thường xuyên…