Báo cáo về triển vọng ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) năm 2025, do Bộ phận phân tích của TPS phát hành, đưa ra dự báo số lượng DN công nghệ số năm 2025 đạt khoảng 50.000 DN, tăng 4,2% so với năm 2025. Còn về kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2025 được dự ước đạt 145 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2024.
Năm 2025, các công ty công nghệ sẽ được hưởng lợi khá lớn từ dòng vốn FDI. Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty toàn cầu đang tìm kiếm đầu tư vào IT nhờ hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc + 1.
Dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của thị trường ICT. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) cũng mở ra nhiều cơ hội về thị trường cho các DN công nghệ của Việt Nam.
Ngoài ra, cơ hội để các DN công nghệ hưởng lợi trong thời gian tới còn từ việc mở rộng của thị trường ICT được thúc đẩy bởi các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Không những vậy, sự bùng nổ về kỹ thuật số, đô thị hóa tăng nhanh và dân số trẻ am hiểu công nghệ sẽ là những chất xúc tác cho sự tăng tốc ngành này.
TPS nhận định, doanh thu trên thị trường dịch vụ IT dự kiến đạt 1,99 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, gia công dịch vụ IT chiếm lĩnh thị trường với giá trị thị trường dự kiến đạt 0,69 tỷ USD (chiếm 35% tổng doanh thu dịch vụ IT năm 2024). Tiếp đó là thuê ngoài quy trình kinh doanh, dự kiến ghi nhận khoảng 0,59 tỷ USD, chiếm 30% tổng doanh thu dịch vụ IT của Việt Nam trong năm nay.
Và theo dự báo doanh thu thị trường IT ở Việt Nam đến năm 2029 sẽ tăng lên 3,11 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 9,34% trong giai đoạn 2024 - 2029.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thách thức trước mắt mà các DN công nghệ và những nhà đầu tư ở Việt Nam đang đối mặt là hạ tầng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh mạng 5G, các trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây đang dần trở thành nhu cầu tất yếu. Để lĩnh vực này hưởng lợi lớn thì Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, đảm bảo đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ ngày càng tăng.
Mặt khác, vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cũng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp IT. Nhất là trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, việc tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh mạng và quy định bảo mật dữ liệu trở thành yêu cầu bắt buộc nếu các DN công nghệ của Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đòi hỏi họ không chỉ cải tiến công nghệ mà còn phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao về bảo mật dữ liệu.
Hơn thế nữa, khâu thủ tục hành chính và hoạch định chính sách cần tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa, giải quyết nhanh thủ tục cho nhà đầu tư, DN trong lĩnh vực ICT nhằm tránh những cơ hội có thể qua nhanh. Hy vọng với chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ cũng sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN công nghệ ngày càng hưởng lợi lớn trong thời gian tới.