Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo trở lại nhưng kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và 5.
Đề xuất này được Bộ Công Thương đưa ra sau khi có cuộc làm việc hôm 26/3 với các địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng đại diện các cơ quan có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính...
Báo cáo cho biết rõ về tình hình sản xuất lúa gạo và nhu cầu dự trữ tiêu dùng trong nước được cũng như tình hình xuất khẩu với những số liệu được tính toán rõ ràng.
Cụ thể, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Dự báo tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn. Phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn, phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn, dùng làm giống 1 triệu tấn, dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.
"Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu khoảng 13,45 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo", báo cáo cho biết.
Điều lo ngại của hạn hán và xâm nhập mặn nhưng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại từ hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 là không đáng kể do được chỉ đạo xuống giống sớm. Bên cạnh đó, vụ Đông Xuân được mùa, năng suất bình quân gần 7 tấn/ha nên bù đắp được hạn hán và xâm nhập mặn.
Sau khi tính toán, khớp mọi số liệu, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và 5.
Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 và 5 sẽ khoảng 800.000 tấn, sau khi đã trữ 300.000 tấn vào kho dự trữ quốc gia và 400.000 tấn giữ lại phòng tình huống có thể xảy ra trong 2 tháng tới. So với cùng kỳ năm 2019, lượng gạo được phép xuất khẩu 2 tháng tới giảm 40% và khoảng 36% so với giai đoạn 2018.
Riêng trong tháng 4, lượng gạo có thể xuất khẩu là 400.000 tấn gạo. Lượng còn lại xuất trong tháng 5 sẽ được Thủ tướng quyết định vào tuần cuối cùng của tháng 4.
Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 bằng cách cộng dồn, trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch (300.000 tấn). Ngoài ra, chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không...), nơi có đủ trang thiết bị nối mạng để Tổng cục Hải quan tiện theo dõi, phản ánh theo thời gian thực. Xử lý nghiêm việc buôn lậu gạo qua biên giới.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra đề xuất, 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn phải ký thoả thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị bảo đảm cung cấp dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện theo thoả thuận, Bộ Công Thương có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 23/3 với Chính phủ, Bộ Công Thương đã đưa ra một số phương án, trong đó có đề xuất tạm hoãn xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh lương thực.
Kiến nghị này được Thủ tướng chấp thuận trên tinh thần đảm bảo an ninh lương thực là quan trọng nhất. Tổng cục Hải quan lập tức thông báo dừng thông quan vào ngày 24/3, tuy nhiên cùng ngày, Bộ Công Thương lại bất ngờ đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo.
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Công Thương lý giải do có độ vênh số liệu nên cần được xác minh lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì lo “mắc kẹt" với việc dừng thông quan đột ngột. Các doanh nghiệp đều khẳng định việc đảm bảo an ninh lương thực là quan trọng nhất song cũng cần có những tính toán chính xác để đảm bảo được những lợi ích tổng thể, hạn chế tồn kho quá nhiều.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-de-xuat-thu-tuong-xuat-khau-gao-tro-lai/20200330084504114"