Đến với những vùng đất khát
Cứ vào tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, miền Trung bước vào mùa khô, kéo theo tình trạng thiếu nước sạch cho sinh hoạt và tưới tiêu. Đáng nói, sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu trong những năm qua, cộng thêm yếu tố địa hình, thời tiết đặc trưng khiến mùa khô ở miền Trung ngày càng quay quắt.
Bên cạnh đó, các công trình nước sạch tại địa phương vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vào mùa khô của người dân. Nhiều công trình đã xuống cấp, cho hiệu suất hoạt động kém do thời gian sử dụng lâu hoặc bị thiên tai tàn phá. Đối với những xã huyện vùng sâu vùng xa, người dân còn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn nước vì địa hình hiểm trở hoặc quá xa nguồn nước ở trung tâm.
Thôn Ka Nôn 1, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) là một nơi như thế. Người dân nơi đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc làm nương rẫy, thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, khiến đời sống kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch của huyện chỉ chiếm 56,84%. Đa phần các hộ dân sử dụng nước mưa, nước mặt ở ao hồ, các nhánh sông suối chưa qua xử lý, chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh, gây nên các bệnh tật.
Xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cũng cùng cảnh ngộ. Là một xã thuần nông, thuộc vùng chiêm trũng, gần 2.000 hộ dân với hơn 7.100 nhân khẩu của xã chủ yếu sinh sống bằng canh tác nông nghiệp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt do hầu hết các công trình cấp nước nhỏ, lẻ trên địa bàn như giếng khoan, giếng đào bị nhiễm phèn, mặn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.
Hơn nữa xã Hợp Thành nằm ở cuối nguồn cung cấp nước của hệ thống kênh mương huyện Yên Thành nên nguồn nước sử dụng sinh hoạt ngày càng ô nhiễm, thiếu thốn, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo ghi nhận, để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu nước, nhiều nơi ở vùng đất khát miền Trung, người dân phải tận dụng tối đa nguồn nước mưa và nước từ ao tù đọng xung quanh khu vực sinh sống, để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Việc đào giếng, đào ao lấy nước và lọc nước thủ công cũng không hiệu quả vì nước bị nhiễm phèn nặng, không đảm bảo vệ sinh.
Có những đợt nắng nóng đỉnh điểm, nước mưa không còn đủ dùng, nước ao tù hoặc nước vũng xung quanh cũng cạn hết, hoặc nước quá ô nhiễm, người dân phải đi mua nước với giá cao về để sử dụng. Bên cạnh đó, mùa màng cũng bị thiệt hại nặng nề vì không đủ nước chăm bón, tưới tiêu.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, khi “bão” Covid-19 hoành hành, nguồn nước sạch cho công tác phòng dịch Covid-19, cho từng gia đình là yếu tố quan trọng để đảm bảo vệ sinh và sức khoẻ cho người dân.
Bền bỉ hành trình khơi nguồn nước sạch
Thấu hiểu thực trạng thiếu nước sạch của người dân miền Trung, với mong muốn chung tay góp phần giải quyết nỗi trăn trở của bà con quê nhà, từ năm 2019, Bia Huda (thương biệu bia của Carlsberg Việt Nam) đã khởi động chương trình trách nhiệm với xã hội (CSR) dài hạn “Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương”.
Ngay trong năm đầu triển khai, 3 dự án nước sạch do bia Huda tài trợ xây dựng đã đi vào hoạt động, lần lượt tại thôn An Khê (Gio Sơn, Gio Linh, Quảng Trị), xã Xuân Thủy (thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) và Quảng Kim (Quảng Trạch, Quảng Bình).
Các công trình nước sạch sau khi đi vào sử dụng đã giúp hơn 5.500 người dân thuộc 1.500 hộ gia đình ở các địa phương được tiếp cận nguồn nước sạch, mang lại bộ mặt mới cho đời sống của người dân nơi đây, cũng như góp phần cải thiện kinh tế gia đình, địa phương.
Tiếp nối những thành công ban đầu, trong năm 2020, chương trình tiếp tục triển khai các dự án tại Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị, kỳ vọng sẽ giúp gần 4.000 hộ dân, tương ứng với 15.000 người tiếp cận nước sạch, giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống, từ đó tạo điều kiện giúp mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Từ tháng 4/2020, đội ngũ chuyên gia của Huda đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện dự án bằng cách đi khảo sát từng địa phương, làm việc với người dân và chính quyền và từ đó đề ra phương án thi công hiệu quả, phù hợp nhất cho mỗi khu vực.
Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An) là địa phương đầu tiên có dự án triển khai trong năm 2020. Tiếp đến, các dự án tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình cũng được triển khai và lần lượt hoàn thành vào tháng 8-9/2020, để mang nguồn nước ngọt quý giá đến với người dân “vùng đất khát” miền Trung.
Theo ông Nathaniel Moxom, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam, trong suốt 30 năm qua, thông qua nhiều hoạt động xã hội thiết thực, Huda đã tích cực đồng hành, san sẻ và giúp đỡ người dân miền Trung xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn với mục tiêu “Sản xuất bia vì một hiện tại tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn”.
Chương trình CSR dài hạn “Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương” nằm trong những nỗ lực nối dài của Huda trong hành trình viết lên những thay đổi tích cực cho cuộc sống người miền Trung thông qua giải pháp về nước sạch, nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt, kinh tế cho bà con. Cũng từ đây, Huda muốn dệt thêm những điều tốt đẹp hơn nữa vào cuộc sống của hàng nghìn gia đình ở miền Trung, hướng đến một cuộc sống ổn định và kinh tế phát triển.
“Bên cạnh chương trình mang ý nghĩa dài hạn này, Huda cũng không ngừng thực hiện các hoạt động xã hội khác, như: Chương trình trao quà Tết thường niên cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt; quyên góp 2 tỷ đồng nhằm hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch; trao 3.000 phần quà có giá trị đến với người dân miền Trung gặp khó khăn do Covid-19… Những nỗ lực này xuất phát từ mong muốn chân thành của một người con miền Trung, bền bỉ đóng góp cho sự giàu mạnh của quê hương và cộng đồng”, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam, chia sẻ.
Theo Viên Hữu
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/bia-huda-khoi-nguon-nuoc-sach-cho-nguoi-dan-vung-dat-khat-mien-trung/20200831113906500"