Bác sĩ người Việt ở Bệnh viện Hannover tiết lộ cách người Đức phòng và chống đại dịch Covid-19

26/03/2020 17:20

Nhà báo Lê Ngọc Sơn đã có cuộc nói chuyện với BS Thu Vũ – chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm chẩn đoán hình ảnh y học hạt nhân Hannover (CHLB Đức) về quan điểm chống dịch Corona ở Đức và cách phòng tránh bệnh dịch này.

Nhà báo Lê Ngọc Sơn thực hiện phỏng vấn bác sĩ Thu Vũ

Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Xin chào chị Thu Vũ. Đại dịch Corona đang hoành hành ở Đức và châu Âu. Chị là một trong số những người đang làm trong ngành y và tiếp xúc với người nhiễm hàng ngày. Vậy chị có thể chia sẻ cho mọi người biết tình hình bệnh dịch ở Đức như nào không?

BS Thu Vũ: Vì là người trong ngành nên tôi cùng các đồng nghiệp thường xuyên theo dõi sự chuyển biến của dịch bệnh và những con số làm cho người ta hết sức lo lắng. Nhưng ở mỗi một bộ phận thì bác sĩ, y tá cũng luôn trong tâm thế phải chuẩn bị mọi thứ để đối phó một cách tốt nhất. Không chỉ mình chuẩn bị việc đón nhận bệnh nhân nhiễm Corona mà mình cũng phải biết hướng bệnh nhân đi theo hướng nào để tập trung vào các trung tâm để xét nghiệm và điều trị, kết nối với sở y tế của mỗi thành phố. Đây là việc ngày nào trong trung tâm chuẩn đoán dịch bệnh của chúng tôi cũng làm. Chúng tôi cần phải phân loại ra các bệnh nhân viêm phổi vì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm phổi. Trong công việc bình thường của chúng tôi, bây giờ Corona chiếm rất nhiều thời gian.

Khi tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, chị có thể cho công chúng biết một ngày làm việc của chị thường bắt đầu và kết thúc như nào không?

Công việc của tôi vẫn bắt đầu từ 8h sáng như bình thường. Tôi vẫn làm các công việc thường ngày của mình. Trung tâm của chúng tôi nhận rất nhiều bệnh nhân với nhiều triệu chứng. Ví dụ: sốt, đau, khó thở, bệnh nhân khám về ung thư vú hoặc bệnh nhân bị đau các khớp,… rất nhiều các bệnh khác nhau. Và trong đó có một phần nhỏ tôi có thể nói là một nhóm bệnh nhân là có triệu chứng ho, sốt rồi đến để chụp xem có bị viêm phổi hay không thì có thể người đấy phải chụp X- quang hoặc chụp CT cắt lớp.

Nếu có ca nặng hoặc nghi nhiễm, chúng tôi sẽ làm nhiều thủ tục hơn. Nhưng thường họ đã phân loại từ bác sĩ gia đình, qua số điện thoại là 116 và 117. Họ đã phân loại nghi nhiễm rồi. Ví dụ: bệnh nhân từ Ý trở về, bệnh nhân tiếp xúc với người từ Ý trở về hoặc từ Trung quốc, các vùng dịch mới trên thế giới và sẽ chuyển những bệnh nhân đó đến các trung tâm cách ly và chữa trị ngay lập tức. Kể cả chuẩn đoán hình ảnh cũng trong khuôn khổ của trung tâm đó kết hợp với trường ĐH Y Hannover. Phần trăm những người đến chụp viêm phổi chỉ dưới 10% còn các bệnh khác thì rất nhiều.

Chị có thể giải thích vì sao gần đây nước Đức có số lượng ca nhiễm virus Corona tăng đột biến không?

Nước Đức test vô cùng nhiều. Như trên thế giới, Hàn Quốc test đứng đầu thế giới, Đức cũng chuẩn đoán rất nhiều và chuẩn đoán qua việc test đó. Tuần vừa rồi, trên 100.000 test đã được thực hiện trên toàn nước Đức. Hôm nay, một giáo sư tại Berlin có nói tổng số phòng xét nghiệm của Đức là 47 cái, có thể làm được test và phân bổ đều trên tất cả các thành phố của nước Đức. Mỗi 1 tuần có thể test đến 160.000 mẫu. Nhưng mình không biết sẽ được bao lâu vì test các y bác sĩ vừa phải sản xuất ra vừa sử dụng, nên rất khó có thể nói được khi số lượng người tăng cực kì nhanh thì mình có test kịp hay không. Khi so sánh với các nước khác thì Đức test cực kỳ nhiều. Có nhiều nước không đủ test, không test cho bệnh nhân nên con số không tăng đột biến. Đức test rất nhiều nên đấy là 1 nguyên nhân.

Như vậy rõ ràng là cơ sở hạ tầng y tế và năng lực y tế cũng quyết định rất nhiều đến việc phát hiện ca nhiễm đúng không chị. Vậy theo chị, vào thời điểm này, nước Đức đang ở trong giai đoạn nào của tiến trình dịch bệnh?

Vẫn ở giai đoạn ban đầu vì tôi nghĩ đỉnh dịch vẫn chưa đến. Nhìn từ phía các bệnh viện còn rất nhiều giường trống và giường chăm sóc tích cực vẫn còn khả năng nhận người. Nhiều bệnh viện của các trường đại học họ đang nhận điều trị các bệnh nhân ở biên giới của Pháp vì Pháp đã quá tải. Nếu đi sâu vào nội địa của Đức thì các vùng phân bố dân cư không sát như miền Nam hoặc bên Tây giáp biên giới Hà Lan hoặc Pháp. Bây giờ mới là đầu của dịch, đến khi chưa đến đỉnh của dịch thì không biết các cái giường đấy có đủ hay không?

Ở 1 số nước châu Âu, trong đó có Đức thì những người có triệu chứng không được xét nghiệm thì không biết là bệnh viện hay nền y tế của Đức dựa vào quan điểm y học nào?

Nếu người ta chưa được test là do năng lực y tế của nước họ, họ không có đủ kit để thử hoặc bác sĩ khi chuẩn đoán bệnh nhân bị viêm phế quản hay viêm phổi nhẹ mà không phải do Corona mà do yếu tố khác. Người ta có thể loại từ ban đầu bởi người ta thiếu kit thử thì người ta không test. Còn nếu chưa test thì mình không thể biết chắc được người đấy có bị Corona hay không.

Vì sao tỉ lệ tử vong ở Đức rất thấp trong khi người nhiễm rất cao?

Đức test rất nhiều nên con số tăng rất nhanh và phát hiện rất cao nên mình biết được dân số khoảng bao nhiêu đã bị bệnh rồi. Nhóm dễ mắc bệnh là những người trẻ tuổi đến trung niên đi du lịch từ Ý về và tham gia vào một hoạt động ở gần biên giới Hà Lan và họ đã lan dịch Corona cho những người ở đấy. Nếu có lây sang người già và những người lớn tuổi thì bị tử vong, còn những người trẻ hầu như họ qua được dịch này vì sức đề kháng của họ rất cao. Chính vì vậy tỉ lệ tử vong thấp là do test rất nhiều, những người bị nhiễm hiện giờ là trẻ tuổi đến trung niên là chính. Ngay khi biết dịch lan ra như thế, Đức đã khuyến cáo không cho người vào thăm trong bện viện hoặc vào những viện dưỡng lão, tránh tiếp xúc với các cụ già vì các cụ có thể ra đi rất nhanh. Nếu lan ra nhà dưỡng lão thì con số tử vong sẽ lên rất cao.

Sở dĩ số người tử vong trên thông báo chính thức là ít vì hình như cách tính của Đức cũng khác. Những người chết vì bệnh nền thì sẽ không tính vào só lượng chết vì Corona. Theo chị ý kiến này thế nào?

Ví dụ, những người có bệnh nền thì nếu người ta nhập viện do bị nhồi máu cơ tim hay là người nhồi máu não mà người ta chết. Rồi test phát hiện dương tính với Corona nhưng không do viêm phổi mà chết nên nước Đức không tính vào. Khi được đưa vào viện, bệnh viện cần biết triệu chứng đấy là bệnh gì. Trong quá trình nằm viện bị nhiễm Corona do bác sĩ, y tá hoặc bệnh nhân ở đó lây nhiễm thì sẽ không được tính vào. Vì mất chủ yếu là do bệnh nền chứ không phải do nhiễm Corona 1 - 2 ngày gây ra.

Theo chị trong quá trình điều trị bệnh Covid-19 thì ở Đức và các nước khác có gì khác biệt?

Trong phác đồ điều trị thì tôi thấy ở Mỹ và Đức không có khác biệt nhiều lắm. Ví dụ như 1 ca mới đây tôi theo dõi ở trường ĐH Y Hannover là bệnh nhân 61 tuổi từ Ý trở về cũng đã có bệnh nền trước đó được mổ thận rồi mới bị nhiễm bệnh. Khi vào viện thì họ thấy những tổn thương của phổi và sử dụng 3 thuốc chính là thuốc kìm hãm virus để virus không tăng lên (thuốc này đã dùng cho rất nhiều virus khác trước đây). Tiếp theo là thuốc kháng sinh. Khi virus xâm nhập thì các vi khuẩn cũng nhân cơ hội đó nó vào trong đường hô hấp và nó bội nhiễm. Cuối cùng là thuốc chống sốt rét (thuốc này vừa chống được sốt rét vừa dùng cho thấp khớp). 3 thuốc này để kiềm chế virus Corona và chống bội nhiễm. Trước đó, Mỹ cũng đã đưa thuốc chống sốt rét vào sử dụng. Bên Anh cũng đã thử nghiệm những thuốc này và họ cho rằng thuốc này có thể sử dụng cho Corona. Đức đã rất nhanh chóng đưa vào để điều trị và nhận được kết quả tốt. Cách đây khoảng 5-6 ngày thì 1 bệnh nhân nhiễm bệnh cũng có tiến triển rất tốt với 3 loại thuốc này.

Nếu một người bắt đầu có những dấu hiệu của Corona thì đặc trung của nó sẽ như nào?

Ho và sốt. Những trường hợp ở Trung Quốc, Ý hay Đức thì bị ho và sốt. Có nhiều người không sốt cao lắm hoặc sốt rất cao. Sốt chính là biểu hiện đặc trưng của cơ thể đang chống lại 1 con virus. Sốt không phải điều gì tồi tệ mà nó chỉ là phản ứng của cơ thể đối với 1 virus, vi khuẩn lạ vào trong người. Còn ho khan, ho khô và ho không kèm với đờm nhiều như là cúm bình thường. Có nhiều người bảo mất khả năng thính giác, vị giác trở nên khác hoặc mất đi trong 1 thời gian ngắn nhưng sau đó nó lại trở lại. Nhưng có nhiều người lại không có triệu chứng gì. Cơ thể họ tự nhận virus và tự đào thải.

Cơ chế lây lan của bệnh này như nào? Có người nói nó sẽ bay lơ lửng trong không khí như bụi và nó không dễ làm người ta bị mắc bệnh. Chị có thể lý giải vì sao không?

Virus nằm trong đường hô hấp của mình. Khi vào nó sẽ bám lên thành của đường hô hấp và xâm nhập vào trong tế bào. Virus SARS từ năm 2003 thì nó xuống sâu vào trong khí quản, còn Corona virus là nó phát triển và bám trụ ở phía đường hô hấp trên (khoang miệng, khoang mũi cũng có). Sau khi mình ho thì có thể nó không ra nhiều hoặc không bắn xa nhưng khi hắt xì thì có thể bắn từ 1,5m – 2m. Khi đó sẽ có những hạt li tí có rất nhiều vi khuẩn. Vì vậy nó không phải không khí bình thường.

Khi chúng ta mua đồ ăn trong siêu thị thì có khả năng nhiễm virus Corona không thưa chị?

Đối với thực phẩm, nếu trước đó có người đến và hắt xì vào đó thì dĩ nhiên là vi khuẩn nó sẽ bám vào những thực phẩm đó. Nhưng nếu để sạch và không có ai hắt xì thì mình không kiểm tra được. Khi mua về mình nên làm sạch bề mặt thực phẩm đó đi và sau đó phải rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt là kẽ tay, mu bàn tay, móng tay và trong lòng bàn tay) và nên chọn thực phẩm được gói kín. Mỗi bề mặt vi khuẩn có thể tồn tại từ 24h – 3 ngày.

Có bạn hỏi là về mặt khoa học thì việc quan hệ tình dục có dễ lây lan Corona không?

Theo tôi là không vì đất sống của virus này là hệ hô hấp. Miễn là không tiếp xúc bằng đường hô hấp là sẽ an toàn.

Có nghiên cứu nào khẳng định, những người được chữa lành từ bệnh Corona sẽ có kháng thể để chống lại virus này không, thưa chị?

Theo như tôi được biết, 1 bệnh nhân nhiễm virus ở Berlin giờ khỏi bệnh đã có kháng thể trong người. Các bác sĩ đang thử nghiệm tách trong máu kháng thể của những người đã khỏi bệnh để giúp cho những người đang bị bệnh và phát triển vắc xin cho những người chưa bị bệnh.

Theo chị, trong phương pháp bảo vệ cho chúng ta thì chuẩn khẩu trang bên Đức được khuyến khích dùng là loại nào?

Chuẩn khẩu trang có rất nhiều loại. Theo DIN họ có đưa ra chuẩn khẩu trang cho ngành y cao nhất là FFP3 và sau đó là FFP2. 2 loại khẩu trang này có thể tránh được virus, vi khuẩn và thậm chí là chống được các khí độc khác. Sản xuất theo đúng DIN thì mới nhận để cho sử dụng trong việc điều trị. Ví dụ cho phòng bệnh lực âm và phòng bệnh cho bệnh nhân Corona thì người ta phải dùng cái FFP3 tức là nó rất là kín và chống chất độc, chống khói thuốc, chống chất gây ung thư và chống được virus, vi khuẩn, chất phóng xạ là tốt nhất. Đối với FFP3, những vật thể dưới 0,6 micromet thì sẽ không lọt được qua sẽ được sử dụng cho bệnh nhân Corona. Trong phòng mổ họ dùng những khẩu trang y tế bình thường.

Văn hóa của người châu Âu và Mỹ, mọi người không có thói quen đeo khẩu trang như châu Á. Nhưng giờ Chính phủ đã ra khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang, người dân cũng tự mua vải may khẩu trang ở nhà nhưng những cái khẩu trang này không theo chuẩn mực của DIN nhưng những cái khẩu trang đó cũng giúp làm giảm thiểu khả năng lây nhiễm.

Gần đây chúng ta đã thấy được sự đối lập trong văn hóa dùng khẩu trang của người châu Á và người châu Âu. Chị có thể giải thích câu chuyện này không?

Người Đức họ quan niệm ai đeo khẩu trang là người đó có bệnh hoặc có sức đề kháng rất yếu,… Văn hóa này rất khó để thay đổi luôn được. Nhưng dần dần họ nhìn thấy khẩu trang cũng có thể ngừa 10 – 20% lây bệnh thì dần dần mọi người sẽ đeo nhiều. Đó là 1 yếu tố làm lây lan nhiều ca bệnh ở Đức nhưng không phải yếu tố chính. Nếu chính sách không thay đổi, sự tiếp xúc với nhau vẫn dày đặc như trước đây, mọi người rủ nhau đi bar, club thì kể cả có khẩu trang, độ lây nhiễm cũng rất cao.

Tôi có đọc bài báo phỏng vấn 1 bác sĩ người Ý và bác sĩ này cung cấp tình hình bệnh dịch ở đó, virus tấn công không chỉ người già mà người trẻ cũng dễ thiệt mạng. Họ tìm thấy trên phổi của những người được chữa khỏi có rất nhiều tổn thương nghiêm trọng. Chị thấy như nào?

Thông tin của virus ở Ý có hơi khác với virus ở Vũ Hán và ở Đức cũng vậy. Nhưng nó không phải biến chủng hoàn toàn. Chúng ta không biết được con virus ở đâu mạnh hơn. Chúng gây tổn thương cho phổi là đúng. Nó sẽ biến đổi liên tục nhưng chỉ khác nhau vài điểm và chưa thể chứng minh được con virus ở đâu mạnh hơn vì nó gây tổn thương trong phổi. Bệnh này có cái chung là sẽ viêm phổi ở 2 bên kẽ, những vết mờ đấy ở vùng ngoại vi của phổi và ở trong trung thất, các hạch bạch huyết nó ko sung lên. Chỉ là ở người này nặng hơn, người này nhẹ hơn 1 chút. Và khi nhập viện, người ta biết bệnh nhân ở giai đoạn nào rồi.

Rõ ràng chúng ta không nên hoang mang so sánh các con số với nhau, các nước khác nhau vì những đặc điểm và biến số tạo ra tỉ lệ tử vong nó khác nhau. Có người nói 60 – 70% người dân Đức có thể sẽ lây nhiễm, chị nghĩ ý kiến này như nào?

Chính sách của Đức có 2 biểu đồ. Trong đó có 1 cái hình sin có 2 đường 1 đường lên rất cao và 1 đường xuống rất nhanh. Tức là số người nhiễm sẽ lên vô cùng cao nếu ta không làm gì cả. Đây là điều không hệ thống y tế nào muốn vậy. Mọi người muốn nếu có nhiễm bệnh thì con số ấy sẽ rất thấp. Hệ thống y tế có thể đáp ứng được và dự đoán là 60 – 70% dân số cũng có thể nhiễm bệnh nhưng nó sẽ dàn trải ra trong vài năm.

Chị nghĩ như nào về cách thức Việt Nam hiện nay đang làm? Vì chúng ta đã cách ly khá triệt để nhưng nếu mà có 1 lỗ hổng nào đấy, sự ồ ạt của các ca nhiễm thì theo chị lúc đấy sẽ như nào? Cách thức nào là hợp lý?

Về Việt Nam, tôi đánh giá rất cao y tế dự phòng và chống dịch. Việt Nam có kinh nghiệm của những trận dịch trước và nhất là dịch SARS 2003 đã chống rất tốt. Cách thức theo dõi từng ca nhiễm và đi theo ca nhiễm để lần về các nguyên nhân và những người đã tiếp xúc để triệt để và chặn đứng được dịch bệnh.

Theo chị là chuyên gia về y tế, bao lâu Đức sẽ đi qua đỉnh dịch?

Dự đoán chính xác thì rất khó vì đây là đại dịch cả thế giới phải chống chọi. Thủ tướng Đức và Bộ trưởng Y tế cũng nói là 70% người sẽ nhiễm dịch. Bây giờ từng quốc gia đã chống dịch trong vùng lãnh thổ rất tốt nhưng khi qua đỉnh dịch rồi, các nước mở cửa khẩu và lại tiếp tục hoạt động như trước, mọi hoạt động giao thương bắt đầu vào guồng thì những ca nhiễm ở nước ngoài đến, chúng ta lại bắt đầu từ đầu. Vì vậy, chỉ khi mình chống dịch tốt trong nước, các nước khác cũng chống dịch tốt, đẩy lùi dịch để gần như kiểm soát được nó thì mới có thể nói là hết dịch.

Như vậy mấu chốt ở đây lại quay trở về bài toàn bao giờ có vắc xin phòng bệnh?

Đức cũng là 1 trong các nước đi đầu. Mỹ và Tây Âu nói chung cũng nghiên cứu rất mạnh về vấn đề này. Theo như bài báo tôi mới đọc sáng nay, khoảng đến mùa thu năm nay có thể cho ra hơn 10.000 mũi tiêm phòng cho Covid-19 và đã được thử nghiệm gần như hoàn thành. Mỹ đã thử nghiệm với người và ở Đức cũng có những tình nguyện sẵn sàng để thử nghiệm. Mọi người đang rất gấp rút nghiên cứu để đến đầu năm 2021 sẽ có vắc xin hàng loạt cho người dân. Khi đó chúng ta đã có được 1 thành công vĩ đại. Vì vậy chúng ta đang chạy đua giữa vắc xin và hệ thống y tế không bị vỡ để có thể đáp ứng tốt nhất cho người dân.

Cần có vắc xin để đẩy lùi và ngăn chặn dịch bệnh Corona

Vậy chúng ta quay lại câu hỏi: “Chúng ta là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước Đức, đồng bào ở Việt Nam cũng đang trông ngóng về thông tin khoa học về vắc xin. Nhưng từ giờ đến khi có vắc xin thì làm sao chúng ta tránh và giảm thiểu tối đa dịch bệnh”. Chị có thể chia sẻ cách phòng bệnh tốt nhất là như nào không?

Thứ nhất chúng ta phải sống lạc quan. Sẽ rất khó trong tình trạng kinh tế cũng bị trì trệ như thế này. Khi sống lạc quan thì hệ miến dịch của chúng ta sẽ cao và chống lại virus rất tốt. Ngoài ra hàng ngày chúng ta nên uống nhiều nước, tập thể dục và hít thở không khí trong lành. Bên cạnh đó phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là đôi tay vì nó mang virus, vi khuẩn nhiều nhất. Rửa tay bằng xà phòng hoặc bằng chất kháng khuẩn theo đúng quy định của Bộ Y tế. Giữ gìn vệ sinh điện thoại di động, lau màn hình di động hàng ngày. Ngoài ra mình có thể để những lọ thuốc dự phòng cơ bản trong gia đình: thuốc bổ sung vitamin, kẽm,…. Không nên ăn những đồ để lâu, nên ăn hoa quả tươi. Khi bị đau đầu, đau cơ, sốt thì có thể dùng paracetamol – thuốc giảm đau, giảm sốt. Tuy nhiên không nên dùng nhiều đặc biệt là những người bị bệnh gan, chỉ số gan cao là phải thật cẩn thận.

BS Thu Vũ khuyên mọi người nên ăn rau quả tươi

Xin cám ơn BS Thu Vũ!

Theo Lê Hằng 

"https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/bac-si-nguoi-viet-o-benh-vien-hannover-tiet-lo-cach-nguoi-duc-phong-va-chong-dai-dich-covid-19/20200326011712467"