Nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong quý 2/2022, với GDP quý 2/2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,4%.
ACBS đã nâng dự phóng tăng trưởng GDP với 2 kịch bản cho GDP trong quý 3/2022, quý 4/2022 và cả năm 2022.
Kịch bản tích cực, với giả thuyết tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng và khu vực dịch vụ phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng trong quý 3 và quý 4 với sự hỗ trợ của các hoạt giao thông vận tải vận hành bình thường và hoạt động du lịch quốc tế bùng nổ; và giả định NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng mới trong quý 3/2022, GDP của Việt Nam trong quý 3/2022 và quý 4/2022 sẽ tăng trưởng cao lần lượt là 14,7% so với cùng kỳ năm trước và 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, GDP dự báo cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2022 sẽ lần lượt đạt 10,4% và 8,5% (dự báo trước đó: +7,7% và +6,9% so với cùng kỳ năm trước).
Kịch bản thứ hai với giả thuyết kém lạc quan hơn, giả định tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục nhưng tăng trưởng chậm lại và khu vực dịch vụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng trong quý 3 và quý 4; đồng thời giả định NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng mới trong quý 4/2022, GDP của Việt Nam trong quý 3/2022 và quý 4/2022 sẽ tăng trưởng cao lần lượt là 10,4% và 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, GDP dự báo cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2022 sẽ lần lượt đạt 7,1% và 6,8% (dự báo trước đó: +6,3% và +5,8% so với cùng kỳ năm trước).
ACBS dự phóng nâng triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố.
Thứ nhất, khủng hoảng giá lương thực toàn cầu có thể là cơ hội cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam giành được thị phần xuất khẩu trên toàn cầu, đặc biệt là gạo và các sản phẩm thủy sản.
Thứ hai, tất cả các hoạt động công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng cùng với nhu cầu toàn cầu tăng cao sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư và xuất khẩu từ khu vực FDI.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngành dịch vụ sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng sẽ giúp phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phục hồi nhờ hoạt động tiêu dùng nội địa được cải thiện sau khi COVID-19 được kiểm soát, mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế và hoạt động vận chuyển hàng hóa được vận hành bình thường giúp thúc đẩy hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực FDI.
Ngoài ra, gói kích thích kinh tế sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong các quý cuối năm 2022.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ACBS, một số rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng sắp tới của năm 2022. Đó là: Sự tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn khác; Chương trình thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening – QT) của FED; cung đột giữa Nga - Ukraine làm giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt; Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược "Zero Covid"; lạm phát gia tăng trên toàn cầu...