Đáng chú ý, để đạt được giá trị xuất khẩu 3,66 tỷ USD trong 9 tháng, khối lượng gạo xuất khẩu chỉ 6,6 triệu tấn. Trong khi năm 2011, để đạt được 3,65 tỷ USD, khối lượng gạo xuất khẩu cần 7,1 triệu tấn.
Đó là bởi giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo liên tục “tăng tốc”, kể từ sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tẻ thường, Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thị trường trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua.
Tháng 8/2023, xuất khẩu gạo đạt 950.000 tấn với giá trị 553 triệu USD. Trong tháng 9, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu hơn 800.000 tấn gạo với giá trị khoảng 490.000 USD. Việt Nam trở thành nguồn cung gạo lớn nhất thế giới trong 2 tháng vừa qua. Như vậy chỉ trong 2 tháng qua, Việt Nam đã cung cấp cho thị trường thế giới gần 1,8 triệu tấn gạo; vừa góp phần bảo đảm nguồn cung cho thế giới, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng lúa.
Trong 8 tháng, Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng gạo xuất khẩu; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ,..), châu Phi (Ghana, Angola, ...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Gần đây, giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 4/10, giá gạo các loại của Việt Nam vẫn được giữ vững, nhưng một số nước Thái Lan, Pakistan có sự giảm nhẹ.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 613 USD/tấn, trong khi của Thái Lan là 586 USD/tấn (giảm 4 USD/tấn), còn Pakistan là 558 USD tấn (giảm 30 USD/tấn).
Gạo 25% tấm của Việt Nam là 598 USD/tấn, của Thái Lan là 538 USD/tấn (giảm 3 USD/tấn) và Pakistan là 498 USD/tấn (giảm 20 USD/tấn).
Các chuyên gia cho rằng, cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Đặc biệt, hiện nay sản xuất lúa gạo tại Malaysia vẫn cần nhập khẩu tới 30% để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi), trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty GLE (đơn vị chuyên làm kết nối xuất nhập khẩu), cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Đặc biệt, hiện nay sản xuất lúa gạo tại Malaysia vẫn cần nhập khẩu tới 30% để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước. Malaysia nhập gạo trắng chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, hơn nữa, người tiêu dùng Malaysia lại tương đối thích gạo Việt Nam, đây chính là cơ hội cho gạo Việt.
Với Việt Nam, ở kịch bản cao nhất nếu thị trường tiếp tục thuận lợi, lượng gạo xuất khẩu vẫn duy trì được mức 800 nghìn tấn/tháng như tháng 9 vừa qua, thì trong 3 tháng cuối năm có thể xuất hơn 2 triệu tấn. Tuy nhiên, với nguồn cung trong nước được tính toán, cùng với dự báo thị trường sẽ không còn tốt như hai tháng vừa qua, thì trong quý IV dự báo mỗi tháng sẽ xuất khẩu khoảng 500 nghìn tấn. Như vậy, khả năng cả năm sẽ xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn gạo, lập kỷ lục kim ngạch 4,5 tỉ USD.