5 ngày đối phó với Covid-19 khi liên tiếp xuất hiện 22 ca nhiễm mới

12/03/2020 16:08

Sau 22 ngày bình yên, Việt Nam liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới. Không khí căng thẳng nhưng mọi việc nằm trong kịch bản, các giải pháp ứng phó được đưa ra rất nhanh.

5 ngày qua, cả hệ thống chính trị tiếp tục đồng lòng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Sau 22 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới, bệnh nhân thứ 17 được phát hiện vào tối 6/3 lại "mở màn" cho giai đoạn 2 chống dịch cam go, phức tạp của cả nước.

Hành động khẩn cấp

17h15 chiều 6/3, nhận được tin ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội và là ca thứ 17 của cả nước, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Y tế phối hợp với quận Ba Đình triển khai ngay việc điều tra, khoanh vùng xử trí, cách ly khu vực có bệnh nhân (phố Trúc Bạch) và các khu vực có liên quan, cách ly những người tiếp xúc.

Cùng với đó, báo cáo ngay Bí thư Thành ủy để xin ý kiến chỉ đạo.

Xe cấp cứu ngay lập tức được huy động đến phố Trúc Bạch - nơi sinh sống của bệnh nhân thứ 17 
để đưa những người tiếp xúc đi cách ly (Ảnh: Phạm Thắng)

Gần 4 tiếng sau, Bí thư và Chủ tịch Hà Nội cùng chủ trì cuộc họp khẩn để chỉ đạo ngay các biện pháp khẩn cấp chống dịch, bao gồm rà soát tất cả những người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp để cách ly, theo dõi. Đồng thời, cách ly, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực phố Trúc Bạch và các khu vực có liên quan.

Song việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội khiến người dân không khỏi lo lắng. Theo hiệu ứng dây chuyền, mọi người đổ xô đến siêu thị mua đồ tích trữ ngay trong đêm.

Nắm bắt tình hình này, tại cuộc họp khẩn lần thứ hai vào sáng 7/3, Bí thư Hà Nội đã kêu gọi người dân bình tĩnh, ngừng đổ xô, chen lấn đi mua thực phẩm tích trữ vì thành phố cam kết đủ hàng hóa cung cấp cho dân.

Tối hôm đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Công Thương, NN&PTNT, Chủ tịch UBND Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm về việc cung cấp đủ hàng hoá cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hoá.

Bên cạnh đó, ông đề nghị lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật.

Nói về ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nhấn mạnh đã dự liệu tình huống xuất hiện ca bệnh mới lây nhiễm từ nước ngoài về và lên các giải pháp ứng phó.

Ông khẳng định mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Người dân không nên hoang mang, lo lắng.

Trong khi đó, Bí thư Hà Nội đưa ra yêu cầu tạm dừng các chuyến công tác nước ngoài của TP cũng như các quận, huyện để tập trung phòng, chống dịch. Ông cũng đề nghị hoãn hội họp, mít tinh không cần thiết trên toàn thành phố để tránh tập trung đông người.

Ngăn dịch từ trăm ngả

Từ ngày 7/3 đến nay, Việt Nam liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới. Chỉ trong 5 ngày, số người nhiễm đã tăng 22 người.

Không chỉ lãnh đạo ở Hà Nội, ở cấp Chính phủ, Thủ tướng, các phó thủ tướng cùng các tư lệnh ngành hầu như ngày nào cũng họp bàn để nghe báo cáo thường xuyên về tình hình, diễn biến dịch bệnh nhằm đưa ra giải pháp ứng phó nhanh nhất.

Với nhiều ca nhiễm là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, các nhà chức trách nhận định nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ nước ngoài rất lớn, nhất là trong bối cảnh các ca nhiễm ở châu Âu đang tăng vọt từng ngày.

Ngay lập tức, ngày 8/3, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố rà soát tất cả chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài. Ông đề nghị cân nhắc, tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài trong thời gian này để tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản
 sẵn sàng ứng phó, ngay cả khi có hàng nghìn ca nhiễm (Ảnh: VGP)

Cũng trong ngày 8/3, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói ta đang phải ngăn dịch từ trăm ngả thay vì vài ngả như trước đây. Nếu không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”.

Theo ông, Việt Nam đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó, ngay cả khi có hàng nghìn ca nhiễm. Vì vậy, nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ.

Ban chỉ đạo kiến nghị với Thủ tướng tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh vì nguồn lây nhiễm từ đây rất lớn. Đặc biệt, Phó thủ tướng đề nghị Việt Nam thực hiện khai báo y tế bắt buộc trên toàn quốc, chậm nhất là ngày 10/3.

Siết xuất nhập cảnh, chuẩn bị kế hoạch cách ly diện rộng

Cuộc họp của Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 9/3 tiếp tục bàn thảo về các giải pháp này.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn nắm rõ mọi tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, có phương án, kịch bản chủ động chứ không để bị động trên mặt trận bảo vệ sức khỏe người dân. Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh, nhưng không ai được chủ quan, lơ là.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng Việt Nam sẽ chiến thắng dịch bệnh (Ảnh: VGP)

Thủ tướng yêu cầu tất cả địa phương phải nghiêm ngặt, chặt chẽ, kiểm soát tốt hơn nữa nguồn lây từ ổ dịch trong và ngoài nước.

Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay… phải kiểm soát nguồn nhập cảnh kỹ hơn, không để lọt lưới những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Đặc biệt, trước thực tế ca bệnh thứ 17 “lọt” cửa nhập khẩu vào Việt Nam, thậm chí biết mình có thể nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo khi nhập cảnh vào Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo để răn đe những cá nhân vi phạm.

Mặt khác, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phải tìm và cách ly tất cả khách du lịch trong chuyến bay VN54.

Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch ngày 11/3, ý kiến của Ban chỉ đạo thống nhất rằng với tất cả trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự nếu gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng.

Chính phủ Việt Nam lúc này cũng quyết định đơn phương tạm dừng chính sách miễn thị thực đối với công dân 8 nước châu Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha) từ 0h ngày 12/3.

Các hãng hàng không của Việt Nam thống nhất quy định bắt buộc khách đeo khẩu trang từ khi ngồi trên máy bay cho đến khi làm thủ tục nhập cảnh và khuyến nghị giải pháp này với các hãng hàng không nước ngoài.

Cùng với thực hiện tốt giải pháp cách ly, những nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh
 thường xuyên được phun khử trùng để hạn chế virus lây lan (Ảnh: Duy Hiệu)

Kiên định giải pháp cách ly tập trung, song lúc này Ban chỉ đạo đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về việc giảm mật độ cách ly và tổ chức cách ly tại cộng đồng.

Theo đó, người đang cách ly tập trung sau 3 ngày, đã xét nghiệm âm tính thì có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng và giám sát chặt chẽ, đồng thời lập hồ sơ sức khoẻ điện tử. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát người cách ly tại nhà được giao cho cấp ủy chính quyền địa phương.

Thủ tướng trong cùng ngày cũng ban hành chỉ thị thứ 4 về phòng, chống dịch. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt nguồn lây bệnh, siết hoạt động xuất nhập cảnh, triển khai khai báo y tế bắt buộc. Đặc biệt, chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, có phương án huy động khách sạn, cơ sở lưu trú… làm nơi cách ly tập trung.

Theo Thương hiệu & Công luận

"https://thuonghieucongluan.com.vn/5-ngay-doi-pho-voi-covid-19-khi-lien-tiep-xuat-hien-22-ca-nhiem-moi-a89581.html"