Ngày 31/5, VIB tăng 0,2% lãi suất huy động trực tuyến cho các kỳ hạn 6-11 tháng. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn này cùng được niêm yết tại mức 4,3%/năm.
Đây là lần thứ 4 VIB điều chỉnh lãi suất trong tháng 5. Trước đó, ngân hàng này đã tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động vào các ngày vào các ngày 4, 8, và 21/5.
Trong ngày cuối cùng của tháng 5, Eximbank trở thành ngân hàng thứ 20 tăng lãi suất huy động trong tháng. Nhà băng này đã tăng thêm 0,1% lãi suất tiền gửi trực tuyến ở tất cả các kỳ hạn. Hiện tại ngân hàng này, lãi suất huy động trực tuyến tại một số kỳ hạn như kỳ hạn 6-9 tháng là 4,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 5%/năm; kỳ hạn 24-36 tháng là 5,3%/năm.
Trong tháng 5, ABBank là nhà băng có 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất. Trong 3 lần trước, ngân hàng này chỉ tăng lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng (hiện lên mức 4,7%/năm), lần thứ 4 đã điều chỉnh kỳ hạn 12 tháng với mức tăng tới 1,1%/năm lên 5,2%/năm.
Ngoài ra, một số khác NH cũng tăng lãi suất 2 lần trong tháng 5 như Techcombank, Bac A Bank, BVBank, CBBank, SeABank, NCB, PGBank, HDBank.
Trong tháng 5, đã có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động gồm: ACB, ABBank, Bac A Bank, BVBank, CBBank, Eximbank, GPBank, HDBank, MB, NCB, PGBank, Sacombank, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, Viet A Bank, VietBank, VPBank.
Như vậy, lãi suất tiền gửi ngân hàng có xu hướng tăng trong tháng 5/2024. Mức tăng trung bình dao động từ 0,2% đến 0,8% cho các kỳ hạn khác nhau. Một số ngân hàng tăng lãi suất mạnh hơn, lên đến 1% - 1,5% cho các kỳ hạn dài.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 - 1%/năm từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, diễn biến chính sách tiền tệ của Fed.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, mới đây NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay.
Đồng thời, các đơn vị cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.