Ngày 28/5, tại buổi họp báo Ngày không tiền mặt 2024 do Báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, việc ứng dụng sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Ông Lê Anh Dũng cho hay, theo Quyết định 2345 của NHNN từ ngày 1/7, khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc trị giá trên 20 triệu đồng mỗi ngày phải xác thực sinh trắc học. Mức 10 triệu đồng này được căn cứ dựa trên thống kê 70% các giao dịch qua ngân hàng hiện nay đều dưới 10 triệu đồng. Để tránh trường hợp kẻ gian lừa đảo, đột nhập tài khoản của khách hàng và chia nhỏ lệnh dưới 10 triệu đồng để chuyển tiền đi, quy định yêu cầu chuyển tiền có trị giá trên 20 triệu đồng/ngày phải có xác thực sinh trắc học. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng, chống lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
"Như vậy, nếu muốn trải nghiệm xuyên suốt, phục vụ lâu dài thì khách hàng buộc phải ra ngoài đăng ký sinh trắc học. Còn không, phải đến ngày hôm sau mới thực hiện được giao dịch. Giới hạn này để phòng chống lừa đảo, tránh kẻ gian lợi dụng, nhằm mục đích bảo vệ chứ không gây khó cho người dùng", ông Lê Anh Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cũng thừa nhận trước mắt quy định xác thực sinh trắc học có thể gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, bảo vệ an toàn tiền gửi của người dân, ông nhấn mạnh việc này bắt buộc phải làm.
Về đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán, NHNN đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ. Ưu tiên áp dụng mở tài khoản thanh toán, ví điện tử bằng phương tiện điện tử (eKYC) đối với khách hàng sử dụng căn cước công dân gắn chip. Tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện hậu kiểm 100% đối với các tài khoản, ví điện tử mở bằng eKYC…
Ngoài ra, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra về an toàn hệ thống thông tin và hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại nhiều tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong ngành ngân hàng làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo, gian lận thanh toán cho toàn thể cán bộ ngành ngân hàng và khách hàng. Ngành ngân hàng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID và hỗ trợ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Với vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán, thẻ và tài khoản, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng giám đốc Napas - cũng cho biết đang phối hợp với các ngân hàng thành viên soạn thảo bộ quy trình phối hợp với các ngân hàng dựa trên quy định pháp lý hiện nay.
Theo đó, khi nhận diện được giao dịch có dấu hiệu lừa đảo, nhà băng có thể trao đổi với Napas để thông tin cho ngân hàng được nhận tiền, để họ có hành vi tương ứng như khóa tài khoản, tạm ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng số hoặc yêu cầu khách hàng ra quầy thực hiện giao dịch.
"Việc này sẽ giúp làm chậm luồng tiền luân chuyển của kẻ lừa đảo", ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.