Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 6 đạt 1.548 tấn, kim ngạch đạt 6,7 triệu USD, so với tháng trước lượng xuất khẩu giảm 0,8%. Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong tháng chiếm 13,8% đạt 213 tấn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 7.023 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 34,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,6%, kim ngạch giảm 25,3%. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hoa hồi Việt Nam với 4.410 tấn, chiếm tỷ trọng 63% trong tổng số các nhà nhập khẩu của Việt Nam.
Theo thống kê của Tổ chức Gia vị Thế giới, sản lượng hoa hồi của Việt Nam đứng thứ 2 toàn cầu. Với hoa hồi, Việt Nam là nhà cung cấp tiềm năng cho thị trường gia vị và hương liệu thế giới - trị giá đạt 21,3 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD vào năm 2026.
Hiện nước ta có tổng diện tích trồng hồi khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.
Đáng chú ý trên thế giới, cây hồi hầu như chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc cũng như có thể sản xuất hồi với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi.
Cây hồi bắt đầu cho thu hoạch kể từ năm thứ 4, tuy nhiên khoảng 16 năm mới có thể thu hoạch 2 vụ/năm, do đó loại cây này đã hiếm lại càng quý hơn. Trong đó, vụ Xuân tập trung vào tháng 2, tháng 3; vụ mùa vào tháng 9, tháng 10.
Hoa hồi là một trong những loại gia vị cực phẩm mà các đầu bếp nổi tiếng luôn ưa chuộng sử dụng trong các món ăn. Sử dụng hoa hồi trong các món ăn một cách khéo léo sẽ giúp nâng tầm món ăn lên một hương vị hoàn toàn mới.
Bên cạnh đó, khi sử dụng hoa hồi nguyên chất để ngâm với rượu sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh như cảm lạnh, đau đầu, đau bụng, các bệnh về tiêu ho và các bệnh về xương khớp.
Hoa hồi còn có tác dụng trong chữa các bệnh nấm da, ghẻ lở, giảm đau, giảm bầm tím, trị ho, long đờm... và nhiều tác dụng chữa bệnh khác. Ngoài ra tinh dầu hoa hồi còn là một trong những loại mỹ phẩm tốt được sử dụng trong ngành làm đẹp.