Một số sự kiện và thông tin không tích cực đã tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN Index giảm từ 1.492,2 điểm vào cuối tháng 03/2022 xuống 1.384,7 điểm vào ngày 20/04/2022, tương đương mức giảm 7,2%. Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, VN Index đã giảm 7,6%.
Công ty quản lý quỹ VinaCapital nhận định, việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm đến từ những nguyên nhân về bắt bớ, trái phiếu và tình hình vĩ mô không có nhiều hỗ trợ. Cụ thể, ngày 29/03, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt giữ với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán.
Tiếp theo đó, ngày 05/04, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của các nhà đầu tư thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
“Hàng loạt các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, đã tăng nóng từ giữa năm 2021 trong khi kết quả kinh doanh không có chuyển biến tích cực, đồng loạt bị bán tháo và giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc bán giải chấp cổ phiếu (margin call) trên diện rộng trong những ngày qua. Ngay cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng bị đem ra bán giải chấp để trả tiền vay mua chứng khoán, ảnh hưởng đến toàn thị trường chung”, chuyên gia của VinaCapital nhận định.
Chuyên gia của VinaCapital đánh giá, với việc chỉ số VN-Index đã giảm 7,6% từ đầu năm, nên cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn.
“Việc điều tra, xử lý những vi phạm trên thị trường chứng khoán, tuy có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là đối với các cổ phiếu thuộc diện đầu cơ tăng nóng sẽ là yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong dài hạn. Việc xử phạt nghiêm minh sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi”, chuyên gia của VinaCapital nhấn mạnh.