Xu hướng tăng trưởng nhanh của Việt Nam vẫn chưa kết thúc

23/06/2023 08:12

Đó là ý kiến của GS. TS. Andreas Stoffers tại Hội thảo công bố báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023: Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ diễn ra ngày 22/6.

Hội thảo công bố báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 do Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

GS. TS. Andreas Stoffers: Xu hướng tăng trưởng nhanh của Việt Nam vẫn chưa kết thúc  - Ảnh 1.

Các chuyên gia trong buổi Hội thảo

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 có chủ đề: Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ. Thông điệp lớn nhất của báo cáo năm nay đó là tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Khi các chỉ số đảm bảo tăng trưởng bền vững và sức cạnh tranh doanh nghiệp đều suy giảm trong điều kiện các yếu tố kinh tế quốc tế không thuận lợi, kèm theo những vấn đề nội tại kinh tế không được xử lý triệt để nên khi khó khăn xảy ra, khả năng thích ứng không cao. Do vậy cần tăng cường tính liên kết và chú trọng giải pháp phát triển doanh nghiệp một cách thực chất và bền vững.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 do TS. Nguyễn Quốc Việt chủ biên, đã quy tụ một số lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các Viện nghiên cứu và trường đại học tham gia. Báo cáo đã nhận được sự cố vấn, phản biện của nhiều chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế. Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Hội thảo ngày 22/6 đã đã thu hút sự quan tâm đông đảo với sự có mặt của nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia cao cấp về kinh tế trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của FNF tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có. Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Di sản (Heritage Foundation), Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tự do về kinh tế.

GS. TS. Andreas Stoffers: Xu hướng tăng trưởng nhanh của Việt Nam vẫn chưa kết thúc  - Ảnh 2.

GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của FNF tại Việt Nam tại Hội thảo công bố báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023

Theo báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023, nền kinh tế Việt Nam đã và đang bộc lộ một số vấn đề. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm tốc mạnh mẽ từ quý III/2022 và tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao mặc dù đã hạ nhiệt do áp lực từ lạm phát toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Trong 5 tháng năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Theo báo cáo, lạm phát cơ bản tăng 4,54% chính là ẩn số cho việc điều hành ổn định vĩ mô của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2023.

Cùng với đó, tỷ giá tại Việt Nam đã có nhiều biến động mạnh từ cuối quý III/2022, đỉnh điểm là tháng 11/2022. Các doanh nghiệp nhập khẩu mở rộng dự trữ ngoại hối USD phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong tương lai, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường găm giữ ngoại tệ để chờ đợi cơ hội bán với giá cao hơn. Dự trữ ngoại hối của Nhà nước cũng có dấu hiệu sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, tỷ giá giữa đồng USD và VND đầu năm 2023 đã ổn định trở lại do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ gia tăng lãi suất và lạm phát tại Mỹ giảm bền vững, khiến đồng USD giảm giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, gánh nặng lãi vay cho doanh nghiệp, xung đột Nga-Ukraine và xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là những thách thức của nền kinh tế trong phần còn lại của năm nay.

Báo cáo cho rằng có 4 cơ hội cho tăng trưởng năm 2023 của kinh tế Việt Nam. Cụ thể là: Các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước; tăng điều kiện xuất nhập khẩu cho nhiều ngành hàng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại; cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư và các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.

Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt mức 5,54%. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng GDP sẽ là 6,01%. Còn với kịch bản cao, tốc độ tăng GDP năm 2023 sẽ là 6,51%.

Dù vậy, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có những cơ hội cho sự tăng trưởng. Đó là các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm của Chính phủ thúc đẩy kinh tế trong nước.

Việc tăng điều kiện xuất nhập khẩu cho nhiều ngành hàng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại; cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư và các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại sẽ thúc đẩy cho nền kinh tế Việt Nam phát triển thời gian tới.

Thanh Thủy