Xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU

20/04/2020 16:20

Ngoài khẳng định chất lượng, các cam kết về: Sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ, thương mại và phát triển bền vững… của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tạo cơ hội cho Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.

Cam kết về sở hữu trí tuệ

Về quyền tác giả và quyền liên quan, Việt Nam cam kết sẽ gia nhập Hiệp định về Quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về Biểu diễn và Bản ghi âm (WPPT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Hiệp định EVFTA quy định thời hạn bảo hộ kéo dài ít nhất 50 năm và bảo hộ độc quyền của người biểu diễn trong sao chép, phân phối, công bố, phát sóng đến công chúng cuộc biểu diễn đã định hình.

Về nhãn hiệu, hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc thiết lập một cơ sở dữ liệu điện tử công khai về các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, đồng thời cho phép thu hồi nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng thực tế trong vòng ít nhất 5 năm.

Về kiểu dáng công nghiệp, Việt Nam cam kết gia nhập Thỏa ước La-hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (1990) trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và sẽ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với thời gian ít nhất 15 năm.

Về thực thi, hiệp định có quy định về kiểm soát tại biên giới nếu phát hiện hàng xuất khẩu có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Về chỉ dẫn địa lý (GI), do các Thành viên EU có truyền thống sản xuất hàng loạt nông sản, thực phẩm có chất lượng đặc trưng theo vùng như rượu vang Bordeaux, pho-mát Mozzarella, giăm bông Parma...nên EU có chế độ bảo hộ cao đối với GI và rất chú trọng nội dung trong đàm phán các FTA. Việt Nam cũng đã có quy định pháp luật về bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý và đã có một số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, đem lại giá trị cao hơn cho người sản xuất nông sản, thực phẩm của một số địa phương.

Khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 169 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) (chủ yếu là rượu và thực phẩm), EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột... tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 169 chỉ dẫn địa lý 
của EU, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam

 

Cam kết về đối xử tối huệ quốc (MFN): Khác với việc coi các ưu đãi trong thương mại hàng hóa và dịch vụ trong khuôn khổ các FTA là trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc MFN (các thành viên trong một FTA có thể dành cho nhau ưu đãi trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ mà không bị coi là vi phạm nguyên tắc MFN của WTO), theo Hiệp định TRIPS của WTO, liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, nếu một thành viên WTO dành bất kỳ lợi thế, ưu đãi, ưu tiên, miễn trừ nào cho chủ thể mang quốc tịch của một nước thành viên WTO khác thì cũng phải dành đối xử đó cho các chủ thể mang quốc tịch của tất cả các nước thành viên WTO. Như vậy, các cam kết mức độ cao về sở hữu trí tuệ (đối với các nghĩa vụ được quy định trong Hiệp định TRIPS) theo Hiệp định EVFTA sẽ được áp dụng cho tất cả các thành viên WTO và ngược lại.

Cam kết về quy tắc xuất xứ

Hiệp định EVFTA quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy, hàng hóa được gia công hoặc chế biến đáng kể, quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).

Đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) từ Việt Nam: Hiện nay, Việt Nam chưa chính thức triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Trong thời gian tới, khi có thể chính thức áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ ban hành quy định liên quan trong nước và thông báo cho EU trước khi thực hiện.

Dự kiến, nhà XK sẽ tự chứng nhận xuất xứ trên một hoá đơn, phiếu giao hàng, hoặc bất kỳ chứng từ thương mại nào mô tả sản phẩm liên quan với đủ thông tin để xác định được sản phẩm đó. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ không phải thể hiện tiêu chí xuất xứ và mã HS hàng hóa, nhưng phải có chữ ký của nhà XK. Trong trường hợp nhà XK đủ điều kiện có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước XK về việc chịu hoàn toàn trách nhiệm với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ do họ phát hành thì không phải ký tên trên chứng từ đó.

Bên cạnh đó, việc tự chứng nhận xuất xứ có thể được thực hiện sau khi XK hàng hóa với điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ đó phải được xuất trình tại bên NK không muộn hơn 2 năm, hoặc khoảng thời gian được quy định trong luật pháp của Bên NK, tính từ khi hàng hóa được NK vào lãnh thổ của bên đó.

Thông tin thể hiện trên giấy chứng nhận xuất xứ: Việt Nam và EU nhất trí sử dụng mẫu C/O EUR 1 là mẫu chung trong Hiệp định EVFTA. Mẫu EUR 1 yêu cầu thông tin khai báo đơn giản hơn so với mẫu C/O trong các hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã ký kết.

Một số thông tin nhà XK được phép lựa chọn khai báo, hoặc không khai báo như nhà NK, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại. Về nội dung khai báo, hai bên thống nhất không yêu cầu thể hiện tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa trên C/O.

Về quá cảnh và chia nhỏ lô hàng tại nước thứ ba: Hai bên đồng ý cho phép sản phẩm được quá cảnh và chia nhỏ tại nước thứ ba ngoài hiệp định.

Cụ thể: Sản phẩm đó không được thay đổi hoặc tham gia vào bất kỳ công đoạn gia công nào làm thay đổi sản phẩm, ngoại trừ các công đoạn bảo quản sản phẩm hoặc dán nhãn, nhãn hiệu, dấu niêm phong hoặc thêm các chứng từ khác để đảm bảo việc tuân thủ với các quy định cụ thể của bên NK. Các công đoạn này, cần được thực hiện dưới sự giám sát của hải quan nước quá cảnh hoặc chia nhỏ hàng hóa trước khi làm thủ tục NK vào nội địa.

Sản phẩm hoặc lô hàng có thể được lưu kho với điều kiện sản phẩm hoặc lô hàng đó vẫn nằm trong sự giám sát của hải quan nước quá cảnh.

Trong trường hợp có nghi ngờ, cơ quan hải quan, nước NK có thể yêu cầu nhà NK xuất trình các chứng từ chứng minh hàng hóa vẫn nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước thứ ba và không bị thay đổi xuất xứ. Cụ thể: Chứng từ vận tải như vận đơn; chứng từ về việc đánh dấu, đánh số hàng hóa; chứng từ thực tế hoặc cụ thể về dán nhãn hoặc đánh số kiện hàng; chứng từ chứng minh hàng hóa như hóa đơn thương mại, hợp đồng mua bán; chứng nhận của hải quan nước thứ ba về việc hàng hóa không bị thay đổi, hoặc chứng từ khác chứng minh hàng hóa vẫn nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước quá cảnh hoặc chia nhỏ lô hàng.

Sản phẩm hoặc lô hàng có thể được lưu kho với điều kiện sản phẩm hoặc lô hàng đó 
vẫn nằm trong sự giám sát của hải quan nước quá cảnh

 

Điều khoản về quản lý lỗi hành chính: Điều khoản quản lý lỗi hành chính quy định về cơ chế phối hợp giữa 2 cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU như một biện pháp chống gian lận thương mại. Theo đó, các bên sẽ hỗ trợ nhau, thông qua cơ quan có thẩm quyền của mình, trong việc kiểm tra tính xác thực của giấy chứng nhận xuất xứ, hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và mức độ chính xác của thông tin được kê khai trên những chứng từ đó.

Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR): Quy tắc cụ thể mặt hàng là quy tắc xác định xuất xứ đối với từng mặt hàng (ở cấp độ mã HS 8 số). Danh mục PSR được Việt Nam và EU xây dựng dựa trên các tiêu chí chủ yếu là: Giới hạn tỷ lệ nguyên vật liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất, gia công; tiêu chí chuyển đổi nhóm (cấp độ 4 số) và phân nhóm (cấp độ 6 số) mã số HS của sản phẩm cuối cùng so với mã số HS của nguyên vật liệu tham gia vào quá trình sản xuất; công đoạn gia công cụ thể; công đoạn gia công, chế biến thực hiện trên nguyên liệu có xuất xứ thuần túy...

DN cần đặc biệt chú ý đến những tiêu chuẩn khắt khe vễ kỹ thuật, an toàn thực phẩm… đối với thị trường EU. Chỉ khi hàng hóa Việt Nam có chứng nhận xuất xứ Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định mới được hưởng thuế suất đó. Do vậy, bên cạnh việc nỗ lực nội địa hóa, cần đề phòng hiện tượng hàng hóa nước ngoài mạo danh hàng Việt Nam để xuất khẩu.

Thương mại và phát triển bền vững

Chương Thương mại và phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA gồm 17 Điều với các nội dung chính gồm: Đa dạng sinh học, Biến đổi khí hậu, Quản lý tài nguyên rừng và thương mại lâm sản, Quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản, Lao động và Minh bạch hóa.

Về đa dạng sinh học, các bên thừa nhận chủ quyền tài nguyên của các quốc gia và quyền quyết định việc được phép tiếp cận nguồn gen là của Chính phủ mỗi bên và tùy thuộc vào pháp luật trong nước. Các bên sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn gen với mục đích đúng đắn, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn gen phải có sự đồng ý được thông báo trước của bên cung cấp, trừ khi bên đó quy định khác.

Ngoài ra, hai bên sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về các chiến lược, sáng kiến, chính sách, chương trình, kế hoạch hành động và chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng nhằm ngăn chặn sự biến mất đa dạng sinh học và giảm áp lực về đa dạng sinh học.

Mặt khác, các bên cam kết sẽ thực thi, hợp tác nhằm đạt được các mục đích liên quan đến biến đổi khí hậu được quy định trong một số hiệp định quốc tế về môi trường gồm Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992, Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước UNFCCC và Hiệp định Paris. Các bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng gồm: Xây dựng, thực thi và vận hành các cơ chế định giá các-bon; Thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; Tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo.

Đồng thời, tăng cường thúc đẩy thương mại lâm sản từ những khu rừng được quản lý bền vững, trao đổi thông tin về các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ.

Cam kết tuân thủ các Công ước quốc tế về Luật biển, các hiệp định về bảo tồn tài nguyên sinh vật biển. Trong đó, hai bên nhấn mạnh tích cực tham gia đấu tranh chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững dựa trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Cam kết tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến điều kiện trong nước. Ngoài ra, các Bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được phê chuẩn.   

Đặc biệt, các bên phải công khai, minh bạch các vấn đề gồm: Quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, các biện pháp liên quan đến bảo vệ môi trường có thể ảnh hưởng tới thương mại đầu tư; Đối thoại, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thực thi các chiến lược, chính sách, quy định pháp luật về các hiệp định đa phương về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản và tài nguyên biển; Đảm bảo sử dụng các thông tin và bằng chứng khoa học, các hướng dẫn, tiêu chuẩn quốc tế một cách thích hợp trong quá trình xây dựng và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường.

Cam kết trong Hiệp định IPA

Về bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA), hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn...

Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một bên và nhà đầu tư của bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải.

Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Hiệp định này. Theo đó, Việt Nam và EU thống nhất thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp thường trực gồm hai cấp là sơ thẩm (với 9 thành viên) và phúc thẩm (với 6 thành viên). Thành viên của cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư này do Ủy ban Thương mại EVFTA chỉ định, hoạt động theo nhiệm kỳ thông thường là 4 năm và có thể được chỉ định thêm 1 nhiệm kỳ, được hưởng phí duy trì do các bên của Hiệp định chi trả.

Phán quyết của cơ quan phúc thẩm và phán quyết của Tòa trọng tài sơ phẩm nếu không bị kháng cáo trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành được coi là phán quyết cuối cùng, các bên tranh chấp không có quyền kháng cáo nữa. Hai bên sẽ công nhận phán quyết cuối cùng có giá trị trương đương như phán quyết của Tòa án nước mình. Đối với Việt Nam, quy định này sẽ có hiệu lực sau 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong thời gian dài hơn do Ủy ban Thương mại thống nhất. Việc thi hành phán quyết được thực hiện theo pháp luật của quốc gia nơi phán quyết được thi hành.

Hai bên thống nhất nếu cùng tham gia vào một Hiệp định thành lập cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương về đầu tư hoặc cơ chế phúc thẩm đa phương về đầu tư thì có thể chấm dứt việc thực hiện hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư song phương theo Hiệp định này.

Cam kết tuân thủ các Công ước quốc tế về Luật biển, các hiệp định về bảo tồn tài nguyên sinh vật biển. Trong đó, hai bên nhấn mạnh tích cực tham gia đấu tranh chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững dựa trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Anh Minh

"https://thuonghieucongluan.com.vn/xay-dung-va-khang-dinh-thuong-hieu-tai-thi-truong-eu-a95346.html"