“Vực dậy” sau Covid-19: Kinh tế Việt Nam năm 2021 trên đà giành lại vị thế

09/12/2021 13:48

Theo báo cáo số liệu từ Tổng cục Thống kê ,11 tháng năm 2021 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực như: Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thu hút vốn FDI giữ đà tăng, đặc biệt là xuất siêu đã trở lại…

Những tín hiệu khởi sắc

Sau quý III/2021 với những tổn thất về kinh tế bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành do Covid-19, từ tháng 10, nhiều chỉ số kinh tế đã khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Về tình hình phát triển doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Kết quả này cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP.

Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Về thu hút vốn FDI, đạt ấn tượng với 26,46 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2021 ước tính đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2021 có 52 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 244,5 triệu USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước; có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 432,8 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 677,3 triệu USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tháng 11 năm 2021 ước tính đạt 397,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021 đạt 4.128,5 nghìn tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,4% (cùng kỳ năm 2020 giảm 3,8%).

Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 20,19 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%. Ước tính tháng 11/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 103,31 tỷ USD, tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 196,14 tỷ USD, tăng 29,9%. Trong 11 tháng năm 2021 có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 20,19 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,32 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 24,55 tỷ USD.

Nền kinh tế Việt Nam vực dậy sau Covid-19, kì vọng đạt được nhiều thành tựu

Nền kinh tế Việt Nam vực dậy sau Covid-19, kì vọng đạt được nhiều thành tựu

Kì vọng lạc quan nền kinh tế

Không chỉ các chuyên gia đánh giá tích cực về sự phục hồi cuả nền kinh tế Việt Nam, thực tế, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng đã có những khẳng định. Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam, cho biết các thành viên của AmCham Việt Nam đang trên đà trở lại với công việc kinh doanh và họ rất lạc quan về tương lai của Việt Nam. 

Khảo sát của AmCham Việt Nam cho thấy hầu hết doanh nghiệp thành viên của họ đã trở lại hoạt động bình thường. Đối với những công ty chưa đạt công suất bình thường, 25% dự kiến sẽ đạt được 100% vào cuối năm, hơn 60% dự kiến sẽ trở lại bình thường vào quý I/2022 và hơn 90% vào quý II/2022. Gần 80% đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung - dài hạn của họ về Việt Nam và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.

Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ (các hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ tín tụng, tiền tệ, hỗ trợ các chi phí an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…) nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia kiến nghị: “Để tiếp sức cho DN nhanh chóng hồi phục trong trạng thái mới, ngoài tiếp tục các chính sách đang triển khai, cần “mạnh tay” hơn trong hỗ trợ DN, phục hồi kinh tế. Vì vậy, Chính phủ đã và đang chỉ đạo chương trình phục hồi kinh tế trong hai năm tới 2022 - 2023, trong năm cấu phần thì một trong số đó là phục hồi DN. Nếu chúng ta bỏ một đồng cho DN, có thể tạo thêm công ăn, việc làm, doanh thu từ đó kích thích quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn”.

“Trong chương trình mới phục hồi DN là tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho DN, giảm thuế, giảm phí, các chính sách giãn hoãn nợ, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN thông qua có thể có gói hỗ trợ lãi suất và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như tận dụng cơ hội mới như kinh tế số, đầu tư cơ sở hạ tầng… qua đó cũng có sự lan tỏa với DN. Chương trình hỗ trợ phải có cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là chủ yếu vì những lúc như này, phải dùng nguồn lực nhà nước từ ngân sách”, ông Lực nói thêm.

Theo kế hoạch Chính phủ đề ra, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt từ 6-6,5%. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn, tính toán sát hơn, khoa học và đúng bản chất hơn. 

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trước hết, chương trình phục hồi quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ phải đủ rộng. Đồng thời, quan tâm, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm. Những lĩnh vực quan tâm này chủ yếu dựa vào những đóng góp và mức độ thiệt hại cũng như là sự lan tỏa khi phục hồi của ngành đó đối với phát triển. “Bên cạnh đó, chương trình này phải đủ dài về mặt thời gian từ năm 2022 đến năm 2023 mới đảm bảo hỗ trợ các DN phục hồi”, TS. Võ Trí Thành khẳng định.

Cùng với đó, chính sách tài khóa là trọng yếu nhưng phải phối hợp cùng chính sách tiền tệ và các chính sách khác, đặc biệt là những chính sách liên quan đến kích cầu, kinh tế số, phục hồi xanh. Đồng thời, việc thiết kế chính sách đối với chương trình phục hồi kinh tế này phải sát hơn để đảm bảo hiệu quả.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp; có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi.

Trúc Mai