Vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam giảm 17% so với năm ngoái

05/05/2024 09:14

Lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 529 triệu USD trong năm 2023, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Báo cáo Đổi mới Sáng tạo & Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2024, trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên trong khu vực về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào năm 2022 và 2023.

Vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam giảm 17% so với năm ngoái- Ảnh 1.

Tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và công bố Báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2024, dẫn Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam đã tăng hai bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế; được xếp hạng là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Nhưng so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn. Ngoài ra, số lượng thương vụ duy trì tương đối ổn định, chỉ giảm nhẹ 9% xuống còn 122 thương vụ. Điều đó cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia.

Đặc biệt, vào nửa cuối năm 2023, số lượng thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tăng lên so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, do quy mô thương vụ nhỏ hơn nên tổng giá trị đầu tư trong nửa cuối năm thấp hơn so với nửa đầu năm.

Giá trị đầu tư trong nửa cuối năm 2023 vẫn tăng 34% so với năm trước, đồng thời vượt qua mức cùng kỳ năm 2020. Sau mức giảm mạnh ở giá trị đầu tư vào nửa cuối năm 2022 so với mức đỉnh của nửa cuối năm 2021, các dấu hiệu sự phục hồi bắt đầu xuất hiện vào nửa cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia, năm 2023, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển đáng kể khi vượt "cơn gió ngược" toàn cầu. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong thu hút lượng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech và trí tuệ nhân tạo. Dòng vốn này đã góp phần quan trọng cho phát triển của các doanh nghiệp trong nước và minh chứng cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.

Một thực tế đáng lưu ý khác nữa là ngoại trừ các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD, số lượng thương vụ trong phạm vi từ 0,5 triệu USD - 3 triệu USD chứng kiến mức giảm ít nhất, cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển ổn định với sự ra đời và hoạt động gọi vốn của các công ty mới.

Đồng thời, xu hướng này cho thấy các nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn lạc quan đối với các thương vụ ở giai đoạn đầu với sự tin tưởng vào năng lực vượt trội của những nhà sáng lập khởi nghiệp trong giai đoạn thử thách.

Minh An (t/h)