Ông Chad Clark - Cán bộ chính sách - Quan hệ đối tác khu vực tư nhân - DFAT - cho biết, Chương trình Hỗ trợ phát triển của ĐSQ Australia tại Việt Nam hiện nay đang chuẩn bị mở ra giai đoạn tiếp theo. Việc nghiên cứu của DFAT sẽ xác định những khoảng trống, những yêu cầu cần thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện phía Australi có kế hoạch khảo sát cơ hội đối với sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân trong thực hiện đầu tư viện trợ của Australia tại Việt Nam.
Australia và Việt Nam cùng tham gia chương trình đối tác công tư, trong đó có cung cấp các khoản hỗ trợ không hoàn lại, có thể lên tới 500.000 đô la Australia, để xúc tiến mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia và DFAT cũng đã thực hiện hoạt động này với một số đối tác như Master Card, Ngân hàng chính sách hay Quỹ Châu Á... Hoạt động tìm hiểu, khảo sát của phía Australia nhằm đánh giá xem liệu cơ chế hoạt động của chương trình đã phù hợp chưa, và làm sao để phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.
Cuộc trao đổi giữa phái đoàn Australia và lãnh đạo VINASME xoay quanh nội dung trao đổi về vai trò của khu vực tư nhân, những thách thức đối với sự tham gia của khu vực tư nhân trong các ngành khác nhau ở Việt Nam cũng như những khó khăn, rào cản của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam trong việc kết nối thị trường...
Tại cuộc trao đổi, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho biết, một trong những thành tựu nổi bật của VINASME trong thời gian vừa qua là tham gia cùng Chính phủ và Nhà nước viết Luật Hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai luật này, cộng đồng DNNVV vẫn chưa được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khiến DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trả lời câu hỏi của phái đoàn Australia về trở ngại của DN nhỏ trong việc phát triển thành DN vừa, ông Tô Hoài Nam chia sẻ: đó là không đảm bảo nguyên tắc công bằng trong môi trường kinh doanh. Ông Nam cho rằng, từ đầu tư, mua sắm công, tiếp cận nguồn lực đất nước... đều phải dành một tỷ lệ nhất định cho các DN nhỏ, nếu không DN ngày càng nhỏ đi.
Để hỗ trợ cộng đồng DN nhỏ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho biết, điều DN nhỏ cần nhất là đào tạo về kỹ năng quản trị, kiến thức, sản xuất, ngoại ngữ, marketting...
"Một trong những mong muốn lớn nhất của VINASME là cộng đồng DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện số lượng DN nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chỉ chiếm 4,4% - 4,5% - tức là chưa đạt tới tỷ lệ thành công. Các DN Việt Nam ngày càng khó khăn trong tiếp cận thị trường, trong bán hàng và tiêu thụ sản phẩm. Muốn DN nâng cao năng lực này, điều đầu tiên cần đào tạo cho họ về tiếp cận thị trường", ông Tô Hoài Nam kiến nghị.
Ông Tô Hoài Nam bày tỏ hi vọng được phía Australia giới thiệu những DN nhập khẩu uy tín của các thị trường như thị trường Australia, hướng dẫn cho DN Việt Nam kết nối, khi đó sẽ tạo thành công cho các bên.
Trước mong muống nhận được sự hợp tác của VINASME để có thể khảo sát đầy đủ sự tham gia của khu vực tư nhân của các ngành trong thực hiện các khoản đầu tư viện trợ của Australia, ông Tô Hoài Nam đề xuất khảo sát phải tham vấn một số chính sách nhất định, chỉ ra khó khăn của DN nhỏ, đề nghị thiết kế chính sách giúp cho DN nhỏ bớt khó khăn. Ngoài ra, cần cố gắng tiếp cận trực tiếp với cộng đồng DNNVV của Việt Nam để tìm hiểu DN cần gì, giảm bớt các khâu trung gian càng nhiều càng tốt
Thay mặt phái đoàn Australia, ông Chad Clark cảm ơn lãnh đạo VINASME đã dành thời gian tiếp đoàn và đưa ra những tham vấn cụ thể, đồng thời bày tỏ hi vọng sẽ nhận được những góp ý và hợp tác thiết thực từ VINASME trong thời gian tới để khảo sát của DFAT thành công, qua đó hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV.
Theo Nguyệt Minh (DNVN)
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/vinasme-trao-doi-voi-phai-doan-australia-ve-kho-khan-cua-dnnvv-viet-nam/20200227055129278"