Vietnam Airlines lên phương án tái cơ cấu toàn diện: Hủy hợp đồng tàu bay chưa nhận, bán máy bay cũ, hoãn trả nợ, phát hành cổ phiếu tăng vốn

30/11/2021 15:47

Vietnam Airlines thừa nhận, hãng sẽ phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục nếu không có sự tham gia hỗ trợ của các cổ đông và hỗ trợ của Chính phủ.

Vietnam Airlines lên phương án tái cơ cấu toàn diện: Hủy hợp đồng tàu bay chưa nhận, bán máy bay cũ, hoãn trả nợ, phát hành cổ phiếu tăng vốn

Ngày 14/12 tới đây, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua những định hướng lớn trong Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021-2025, sửa đổi ngành nghề kinh doanh, sửa đổi điều lệ và phương án kiện toàn nhân sự.

Theo đó, trong tờ trình về định hướng tái cơ cấu tổng thể, Vietnam Airlines cho biết, giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu toàn diện từ chính nguồn lực nội tại của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí và tạo thêm các nguồn lực tài chính. Các giải pháp tái cơ cấu Vietnam Airlines tập trung triển khai trong giai đoạn này cụ thể là:

- Tái cơ cấu tài sản thông qua thực hiện thanh lý các tàu bay cũ và thực hiện bán và thuê lại máy bay để đổi mới đội tàu bay thân hẹp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo nguồn lực máy bay đáp ứng nhu cầu thị trường giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh, trên cơ sở cân đối các nguồn vốn huy động.

- Tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo Vietnam Airlines có nguồn vốn hợp lý, phù hợp với quy mô kinh doanh thích nghi với tình hình mới, tăng cường tiềm lực tài chính của Tổng công ty, đồng thời huy động nguồn vốn từ bên ngoài với chi phí hợp lý thông qua các kênh: Phát hành trái phiếu, vay thương mại từ các tổ chức tín trụng trong nước. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay trong dài hạn hiện có, giãn hạn trả nợ vay sang các năm sau để giảm áp lực trả nợ vay.

- Tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên: Công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên sẽ bao gồm chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tổng công ty có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ cho ngành hàng không, đồng thời bổ sung thu nhập, bù đắp lỗ lũy kế và dòng tiền cho công ty mẹ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn lực từ bên ngoài để tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thành viên.

- Tái cơ cấu tổ chức: Vietnam Airlines sẽ thay đổi cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn hơn, giảm tầng nấc trung gian, tiến hành rà soát, sắp xếp lao động, xây dựng, điều chỉnh lại quy chế, quy trình thực hiện công việc, tiến hành đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động, thực hiện loại bỏ, thu hẹp hoặc hợp nhất những bộ phân, lĩnh vực không hoặc chưa phù hợp trong tình hình mới.

- Tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất: Vietnam Airlines sẽ rà soát và xây dựng phương án sử dụng đất và tài sản trên đất để quản lý tập trung, thống nhất, gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định của Nhà nước.

- Tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp: Vietnam Airlines sẽ triển khai đổi mới năng lực quản trị điều hành trên mọi lĩnh vực trên toàn hệ thống, tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng đổi mới mạnh mẽ hệ thống công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Vietnam Airlines thừa nhận, mặc dù đã nỗ lực khắc phục khó khăn từ chính nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, tuy nhiên hậu quả của đại dịch đến Vietnam Airlines là quá lớn và tình hình dịch bệnh được dự báo còn tiếp tục kéo dài, Vietnam Airlines sẽ phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục nếu không có sự tham gia hỗ trợ của các cổ đông và hỗ trợ của Chính phủ.

Trong Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines đã chủ động đưa ra một số kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không nói chung, tạo điều kiện cho ngành hàng không phát huy vai trò trong nền kinh tế. Các giải pháp được nêu trong đề án như: cơ chế, chính sách về lộ trình mở cửa, nới lỏng biện pháp giãn cách, điều tiết thị trường và tiếp tục triển khai một số chính sách giảm thuế, phí ưu đãi đã có cho các doanh nghiệp hàng không...

Song song với đó, Vietnam Airlines cũng đang tích cực phối hợp với cơ quan chủ sở hữu nghiên cứu, đề xuất Nhà nước với tư cách chủ sở hữu nắm giữ cổ phần chi phối tại Vietnam Airlines tiếp tục có giải pháp hỗ trợ cho Vietnam Airlines thông qua giải pháp tăng vốn cho doanh nghiệp và các công cụ nợ, là các hình thức hỗ trợ phổ biến mà Chính phủ các nước đang hỗ trợ cho ngành hàng không.

Hà My