Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021

22/09/2021 09:07

Báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa được công bố cho biết, hiện Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế. Cùng với thứ hạng này Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm ba quốc gia đổi mới theo nhóm thu nhập trước Ấn Độ và Ukraine.

So với năm 2019 và 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tụt hai bậc (năm 2019 và 2020 xếp thứ 42). Nguyên nhân của việc tác động đến kết quả này là do số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Trong khi đó nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán; trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).

Theo Báo cáo này, Việt Nam cùng Thái Lan (xếp hạng 43), Philipines (51) và Indonesia (87) đã tăng từ 5 tới 40 điểm chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) trong thập kỉ qua. Thái Lan và Việt Nam lọt vào top 30 thế giới về chỉ số đa dạng của thị trường, trong khi Philippines thứ hạng cao về chỉ số đầu ra sáng tạo và công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam và Philippines cũng là các quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ cao.

Trong bảng xếp hạng thường niên của các nền kinh tế thế giới về năng lực đổi mới và sản lượng xuất khẩu cho thấy, các quốc gia có mức thu nhập cao luôn đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số GII. Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận các quốc gia có mức thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines đang theo kịp và thay đổi theo bối cảnh mới.

xep-1632276378.jpg
Việt Nam xếp thứ 44 (tụt 2 bậc) về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021

Tại Hội thảo trực tuyến về Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, trong hai năm qua khi nền kinh tế các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với những sự nỗ lực theo đuổi đổi mới sáng tạo, Việt Nam vẫn được xem như hình mẫu của các quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.

Lấy dẫn chứng về một loạt những kết quả của việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong việc ứng phó với COVID-19 như: bộ kit test do Việt Nam tự nghiên cứu sản xuất, phát triển robot hỗ trợ chăm sóc y tế, máy tạo oxi, nghiên cứu vaccine Nanocovax… Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã và đang hỗ trợ hiệu quả trong việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19, chống đứt gãy trong sản xuất kinh doanh và khôi phục lại nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông Andrew Micheal Ong- đại diện văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương của WIPO cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần có mục tiêu chiến lược trong việc thúc đẩy đa dạng các đổi mới sáng tạo.

Theo ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO, việc sụt giảm thứ hạng không có ý nghĩa nhiều về mặt thống kê bởi nó không phải sự tụt hạng mà là phản ánh sự cải thiện nhưng chưa đủ nhanh.

Từ đó, ông Sacha cũng chỉ ra một số thách thức cho Việt Nam về đổi mới sáng tạo trong bối cảnh COVID-19, trong đó có giảm chuỗi cung ứng toàn cầu, đầu tư nước ngoài trực tiếp sụt giảm và sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia, để có thể tiếp tục cải thiện nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo một cách bền vững, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, lâu dài, có sự tham gia phối hợp của cả hệ thống chính trị mà trọng tâm là đưa hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lên một tầm mức phát triển mới. Trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế.

Do đó Việt Nam cần tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ để lan tỏa trong các doanh nghiệp, phổ biến nhanh và hiệu quả hơn với các công nghệ có sẵn tiên tiến của thế giới để nâng cao năng suất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện Portulans cùng Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia Brazil (CNI), Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Ecopetrol (Colombia) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) thực hiện. Năm nay, các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng và giám đốc điều hành doanh nghiệp sẽ thảo luận về đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến bối cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Theo đánh giá của WIPO năm 2021, chỉ số GII của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 22, tăng 12 bậc từ vị trí 34 năm 2020 – thứ hạng cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam đối với trụ cột này. Đây cũng là trụ cột có thứ hạng cao nhất trong 7 trụ cột của GII. Trong đó, tiến bộ mạnh mẽ nhất là nhóm chỉ số về Thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường đã tăng 34 bậc, từ thứ hạng 49 lên 15 – cũng là thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay của nhóm chỉ số này. Cụ thể, chỉ số Mức thuế quan áp dụng, bình quân gia quyền/tất cả các sản phẩm (%) - tăng 61 bậc (từ hạng 82 lên 21). Đây là kết quả của các nỗ lực gỡ bỏ rào cản thuế quan thông qua hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương mà chúng ta đã tích cực chủ động tham gia trong vài năm trở lại đây.

Huyền Phạm