Việt Nam cũng đứng thứ 3 về số lượng kết nối vận chuyển container quốc tế trực tiếp, không qua trung chuyển (34 tuyến), sau Singapore (81 tuyến) và Malaysia (70 tuyến). Đồng thời, đứng đồng vị trí thứ 3 cùng với Thái Lan về số lượng liên minh hãng tàu khai thác container (3 liên minh), sau Singapore (5 liên minh) và Malaysia (4 liên minh).
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, hầu hết các nền kinh tế hàng hải có ít hơn 20 kết nối vận chuyển và phụ thuộc vào mạng trung chuyển.
Như vậy, Việt Nam là một trong 4 quốc gia trong khối ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan) thuộc nền kinh tế có kết nối vận chuyển container trực tiếp không phụ thuộc vào hoạt động trung chuyển.
Cần phải nói thêm, chỉ số về tuyến dịch vụ vận chuyển container quốc tế (số lượng kết nối vận chuyển container quốc tế trực tiếp, không qua trung chuyển) được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động logistics của các quốc gia.
Kết nối logistics cao góp phần nâng cao hiệu suất logistics thông qua các yếu tố: tăng khả năng tiếp xúc với các nhà khai thác và thông lệ toàn cầu, với tác động lan tỏa tích cực đến chất lượng dịch vụ trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp khai thác logistics tăng năng suất cao hơn và ứng dụng công nghệ do phải làm việc với nhiều đối tác hơn;
Cùng với đó là tăng kết nối vận chuyển container quốc tế trực tiếp đồng nghĩa với việc có nhiều nhà khai thác và tăng tính cạnh tranh hơn, không phụ thuộc trung chuyển để tiếp cận các thị trường lớn.
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng về lượng hàng hóa thông qua cảng biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam những năm qua phát triển đồng bộ, hiện đại, đón được những tàu biển lớn nhất thế giới vào làm hàng.
Hiện nay, Việt Nam có 34 cảng biển và 296 bến cảng. Về cơ bản, hệ thống cảng biển đáp ứng được nhu cầu tàu thuyền ra vào cảng, thời gian tàu đợi cầu rất thấp, đáp ứng thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng vận chuyển nội địa.